
Xin hãy khoan giận dữ
Mình là một người cực kỳ thích cập nhật tin tức.
Với đặc tính nghề nghiệp thì việc biết những gì đang diễn ra là điều tất yếu, bao gồm cả những sự kiện nóng hổi đôi lúc hơi mang tính cá nhân và không liên quan đến bản thân mình.
Tuy nhiên, mình chỉ cập nhật ở mức nhận biết và thường quan sát nhiều hơn tới phản ứng của mọi người.

Từ ngày đọc được hai quyển “Thiện, ác, smartphone” và “Bức xúc không làm ta vô can” của Thạc sĩ Đặng Hoàng Giang, mình để tâm nhiều hơn đến phản ứng của đám đông, lặng lẽ ghi nhận và có những quan điểm cá nhân của riêng bản thân mình.
Và với tất cả những gì diễn ra, trước và trong thời gian gần đây, mình nghĩ đây là lúc thích hợp để viết bài viết này, với mong muốn mọi người “hãy khoan giận dữ”.
Thời đại này chúng ta thường dễ “nổi nóng” hơn

Có nhiều yếu tố tác động đến vấn đề này, một trong số đó là sự xuất hiện của mạng xã hội.
Trước khi được trao tặng một nền tảng ẩn danh, chúng ta thường phải có trách nhiệm với bất kỳ thứ gì mình làm, nói, thể hiện.
Chúng ta thường rụt rè, e dè và nhút nhát hơn.
Bây giờ chỉ cần lập một cái nick đơn giản với vài động tác, và thế là chúng ta có thể thỏa thích nói những gì mình thích, thậm chí mạt sát không chỉ một mà hàng tá người cùng một lúc.
Còn thời đại nào dễ dàng hơn thời đại này.
Và có lẽ vì thế, vì không còn phải suy nghĩ, băn khoăn quá nhiều về những gì mình làm, chúng ta ngày một trở nên gắt gỏng hơn.
“Kết nối” – Con dao hai lưỡi

Quả thực, mạng xã hội mang đến một cuộc cách mạng mang tính địa cầu, nơi mà thông tin di chuyển còn nhanh hơn vận tốc của ánh sáng.
Những sự kiện mà khi xưa chúng ta chỉ được biết vào đầu báo sáng hôm sau, giờ đã phát với tốc độ lạnh người chỉ trong vòng vài giây.
Điều này cũng có điểm lợi là khiến những sự việc cấp tốc được giải quyết nhanh chóng hơn, dưới sự giúp sức của một đội ngũ hùng hậu và đông đảo hơn, nhưng song song đó, những sai lầm chúng ta vô tình đặt lên mạng xã hội này, gần như không thể nào xóa bỏ.
Thông tin và mạng xã hội giờ được kết dính bằng loại keo vô địch, không gì gỡ nổi, chỉ một thông tin phát đi thì sẽ vĩnh viễn tồn tại ở đâu đó bất chấp mọi nỗ lực rút lại, xóa bỏ hoặc cải thiện.
Hãy nói đến khi đó là một thông tin sai sự thật.

Việc một thông tin sai sự thật bị lan truyền, dẫn dắt có thể nhanh chóng đẩy đến một cuộc khủng hoảng truyền thông không chỉ ảnh hưởng về mặt tài chính đơn thuần mà đôi lúc là mặt con người của xã hội.
Chỉ một đoạn clip, vài ngàn thậm chí vài trăm ngàn bình luận ở khắp mọi nơi mà không có lấy một người làm động tác đơn giản, là đặt mình vào tâm thế của người đang bị lan truyền thông tin, dù là nạn nhân hay người gây hại.
Tất cả chúng ta, dù sao cũng đều là con người.
Chúng ta đều có khả năng bị tổn thương bởi chỉ một lời nói ác ý, chứ đừng nói đến một trăm một ngàn.

Đáng nói thay, những bình luận có tính tổng hợp thông minh, có tài liệu chứng minh hoặc có tính góp ý chỉ chiếm một phần trăm rất nhỏ.
Ngoài ra thì đều là những nhận xét có thể chỉ xuất phát từ một tít báo trên dòng trạng thái của ai đó mà đôi khi, người bình luận còn có thể chưa kịp xem hết nội dung cả bài.
Trên mạng xã hội, không ai là hoàn toàn an toàn.
Dù là người cực kỳ nổi tiếng hay cực kỳ bé nhỏ, nguy cơ bị tấn công đều như nhau.
Xin hãy khoan giận dữ

Mình cũng là một người bình thường.
Cũng phẫn nộ, căm phẫn hoặc thù ghét khi đọc được những tin tức tiêu cực được lan truyền khắp nơi.
Nhưng mình cố gắng thêm vào một bước trước khi đưa ra một nhận xét, quan điểm hoặc mệnh đề nào, đó là chậm lại.
Dừng lại để quan sát, đọc nhiều hơn, và tìm kiếm thêm thông tin trước khi để cơn giận dữ nuốt chửng và khiến mình làm những điều khiến mình có thể hối hận nhiều hơn.

Và phần nhiều, hoặc trong toàn bộ tình huống đó, mình kết thúc chỉ bằng việc quan sát mà không để lại gì cả.
Vì sao?
Vì mình chưa có kết luận chính thức cho một vấn đề.
Làm sao có thể kết luận khi không trực tiếp tham gia tìm hiểu, hay có những tài liệu phần nhiều chính xác để đưa ra quan điểm, bình luận.
Và thực tế, việc bình luận chẳng mang lại ích lợi gì, cho cả mình và những người trong cuộc.

Mình tin chắc rằng, chỉ việc dừng lại và không hòa vào đám đông cuồng nộ đã là một việc giúp ích được trong mọi tình huống, trừ phi đó là một thông điệp chính thức, có tầm ảnh hưởng và có khả năng chứng thực.
Bằng không, việc chia sẻ, lên án hoặc bình luận chỉ góp phần bùng lên ngọn lửa giận dữ của đám đông mà đôi khi chẳng để lại điều gì tích cực phía sau.
Thay vào đó, mình ra sức lan tỏa những tín hiệu tích cực mà mình phần nào chắc chắn được sự hữu dụng trong thời điểm hiện tại.
Như một phép toán âm, chúng ta chỉ có thể cân bằng về không khi bắt đầu cộng lại chứ không bằng cách tiếp tục trừ đi.
Hãy suy nghĩ như người trong cuộc

Khi mình đọc các tin tức lan truyền, mình hay làm động tác nghĩ xem nếu mình là người này, mình sẽ cảm thấy như thế nào.
Và chỉ việc nhập vai vào người đang bị lên án và lần lượt đọc những comment tiêu cực như chính mình đang nhận lấy, thật sự là một trải nghiệm khủng khiếp mà mấy ai vượt qua được.
Việc chỉ một người thả phẫn nộ trên bài viết của bạn đã khiến bạn thấy không ổn, chứ đừng nói đến cả trăm ngàn người không quen biết, dựa trên vài hình ảnh, bài báo tìm đến và ra sức thực thi công lý trên bạn hoặc góp ý một cách ác ý đã có thể dễ dàng đưa bạn đến khủng hoảng tâm lý trầm trọng.

Chưa nói đến việc thông tin có thể sai lệch và bạn phải hứng chịu những bình luận phi lý một cách thiếu thiện chí.
Việc thả một dòng bình luận và phủi tay sống cuộc sống của mình lúc nào cũng đơn giản, cho đến khi chính bạn là người trong cuộc.
Xin hãy đối xử với người khác như cách mà bạn muốn người khác đối xử với mình.
Hãy giận dữ một cách văn minh, hoặc chỉ đơn thuần là hãy khoan giận dữ.

Tại sao mình không thích make-up?

Giữ lại chính mình
You May Also Like

5 cách lấy lại cảm hứng
October 28, 2018
CRAZY RICH ASIANS – Tiền, tình và phụ nữ
September 23, 2018