Tranh luận trên mạng xã hội

Dạo này có rất nhiều chủ đề nổ ra trên mạng xã hội, thu hút rất nhiều cuộc tranh luận đa chiều từ vô vàn kiểu người.

Tranh luận là tốt, vì mâu thuẫn là cội nguồn để hình thành xã hội.

Nhưng số lượng tranh luận đúng nghĩa thì ngày càng giảm dần mà thay vào đó là những cuộc hùng biện không hồi kết mà người ta cứ tưởng rằng đó chính là tranh luận, là phản biện.

Và thậm chí, lướt qua một loạt những bài viết và những bình luận qua lại, mơ hồ nhìn ra đa số hình thức mà các cá nhân sử dụng thường là ngụy biện, mà sự khác nhau giữa những thuật ngữ này phần nào quyết định giá trị của những luận điểm được mang ra bình luận.

Tranh luận (DEBATE), Tư duy phản biện (CRITICAL THINKING), Hùng biện (ELOQUENCE) và Ngụy biện (FALLACY)

Tranh luận là hình thức thảo luận và tranh biện về một vấn đề mà ở đó các cá nhân đưa ra các lý lẽ và dẫn chứng để bày tỏ quan điểm của mình với mục tiêu cốt lõi là hướng vào mục đích cuối cùng của cuộc tranh luận.

Tư duy phản biện hay là tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.

Hùng biện là dùng khả năng và kiến thức của bản thân để thuyết phục người nghe về quan điểm của bản thân.

ngụy biện là việc sử dụng các lập luận một cách sai lầm, không hợp lý, cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận.

Tranh luận đúng nghĩa thì thường phải sử dụng tư duy phản biện cộng thêm một chút yếu tố hùng biện để có thể làm sáng tỏ và đưa đến kết luận hoặc giải pháp của một vấn đề.

Thế nhưng, không quá khó để nhận thấy, ngày nay đa số mọi người sẽ dùng kỹ năng hùng biện và ngụy biện nhằm mục đích giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận, mà đôi khi lại chẳng phải là mục đích hay đưa ra được bất cứ giải pháp nào cho vấn đề.

CÁC DẠNG NGỤY BIỆN THƯỜNG GẶP

Một số dạng ngụy biện thường gặp mà người sử dụng cũng không biết đó là:

1. Ngụy biện tấn công cá nhân

“Ông này là quan chức mà ăn nói hàm hồ quá.”
“Con bé này chỉ mới học lớp 12 mà bày đặt nói này nói nọ.”

Nhìn sơ qua các lập luận này sẽ cảm thấy quen thuộc và một số người còn cảm thấy hợp lý, đơn giản vì chúng ta đã quá quen thuộc và thậm chí đã áp dụng rất nhiều trong đời sống.

Nhưng thực tế, nhìn ở khía cạnh logic thì: bản thân con người cụ thể trong một tình huống có thể không liên quan đến hành xử trong tình huống đó.

Việc một anh chàng xăm trổ không quyết định việc anh ấy đánh người khác hoàn toàn là do anh ta giang hồ. Mà đôi lúc có thể vì anh ấy đang tự vệ hoặc hỗ trợ cho một tình huống nào đó, mà tư duy ngụy biện có thể khiến con người vội vã đưa ra các kết luận mà bản thân cho là đúng.

Các bình luận không đánh vào tình huống mà dùng cá nhân, lý lịch của đương sự để đánh giá và đưa ra quan điểm thông thường hoàn toàn là ngụy biện và dù có đúng cũng không mang lại giá trị tranh luận vì hướng tiếp cận là sai.

2. Ngụy biện lấy cá nhân đại diện cho toàn thể hoặc ngược lại

Đây là cách ngụy biện căn bản lấy đám đông làm dẫn chứng cho một kết luận có thể sai về mặt logic.

Đám đông không bao giờ hoàn toàn đúng. Đôi lúc đám đông còn có thể bị dẫn dắt hoặc điều khiển bởi một số cá nhân hoặc thế lực khiến cho điều mà đám đông cho là đúng đôi khi lại là một kết luận hoàn toàn sai và không có dẫn chứng cụ thể.

Ngược lại, một cá nhân mặc dù có vị thế hoặc có chỗ đứng nhất định trong một số lĩnh vực cũng không khẳng định việc mọi phát ngôn hoặc lập luận do cá nhân đó đưa ra đều hoàn toàn đúng nếu thiếu cơ sở logic hoặc dẫn chứng đi kèm.

3. Ngụy biện bằng cảm xúc

Một số thông tin lan truyền có kèm theo một số hình ảnh hoặc câu nói có hàm ý làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người nghe – đọc khiến cho những người này có xu hướng bỏ qua hoặc bác những lập luận mang tính logic cũng là một dạng ngụy biện rất thường gặp và khó tránh khỏi vì đặc tính tin vào trực giác của con người.

Và còn rất nhiều các dạng ngụy biện khác mà có thể tìm thấy ở sách chuyên ngành về tâm lý hoặc các tài liệu uy tín.

Vậy làm sao để tranh luận đúng cách trên MXH?

Không có một quy trình cụ thể hoặc chính xác có thể khiến các cuộc tranh luận diễn ra đúng mục đích và đem về kết quả khả thi, nhưng có một số lưu ý nếu bạn đang thật sự muốn đóng góp vào các cuộc tranh luận có ý nghĩa và hạn chế tối đa việc dẫn đến hung biện và ngụy biện mà hoàn toàn không có giá trị đóng góp cho bất kỳ chủ đề nào.

– Tránh công kích cá nhân.

Ngay khi bạn bắt đầu nhìn nhận những quan điểm của một người dựa trên việc tìm hiểu người đó là ai hoặc căn cứ trên các dữ liệu bạn có từ trước đó, hoặc đang có thiên hướng suy nghĩ như “Tại nó sống như vậy nên không hiểu.” hoặc “Do nó không ở trong hoàn cảnh đó nên không biết cách xử sự.” thì nên quay trở lại mục đích ban đầu của cuộc tranh luận để tránh tranh luận theo hướng công kích cá nhân.

– Luôn nghĩ về mục đích

Cách để quay trở lại khi cuộc tranh luận đã đi quá xa và không còn phục vụ cho mục đích đúng nghĩa chính là tạm dừng để nhìn vào mục tiêu đề ra ban đầu, và cố gắng có cho mình những mục tiêu nhất định đối với vấn đề (không phải đối với cá nhân) để có thể quay trở lại khi cuộc tranh luận dần trở thành tranh cãi.

tranh-luan-tren-mang

– Cố gắng suy xét từ nhiều phía

Một vấn đề luôn không bao giờ chỉ tồn tại ở một khía cạnh. Đến tờ giấy mỏng tang còn có 2 mặt, nên việc đưa ra kết luận vội vàng thường dễ dẫn đến sai lầm.

– Học thói quen tìm dẫn chứng

Những bài viết khoa học và logic thường sẽ kèm theo tư liệu tham khảo hoặc những cơ sở kiến thức đã tạm thời được kiểm chứng. Một bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn thông tin chính thống hoặc uy tín sẽ có giá trị hơn nhiều.

tranh-luan-tren-mang

– Hạn chế những cuộc tranh luận vô nghĩa hoặc không rõ ràng

Mình là một người rất hay phản biện với bản thân về những thứ mình được đọc nhưng lại rất ít hoặc hiếm khi đưa ra ý kiến cá nhân.

Vì rất nhiều lý do như mình chưa đủ dẫn chứng hoặc cảm thấy việc tranh luận trong môi trường hoặc bài viết đó dễ khiến mình vi phạm các quy tắc tranh luận gây bất hòa không đáng có và tốn thời gian.

Nên việc cân nhắc thật kỹ từng quan điểm cá nhân trước khi đặt tay gõ bất cứ một quan điểm nào không hề thừa trong thời đại mà lời nói đôi khi đi nhanh hơn cả ánh sáng và gần như không có cách nào loại bỏ hoàn toàn nếu đã được lan truyền.

tranh-luan-tren-mang

Với tầng suất ngày càng dày đặc của các chủ đề tranh luận và sự quá dễ dàng để nêu ra nhận định, quan điểm, càng dễ khiến người dùng lâm vào hoàn cảnh “bút sa gà chết” hoặc vô tình ủng hộ hoặc phản biện những tình huống chưa rõ đúng sai.

Hãy bảo vệ bản thân và những người xung quanh, kể cả những người bạn chưa từng gặp bằng cách có trách nhiệm với lời nói hoặc chỉ một bình luận của chính mình.

Tranh-luan-tren-mang

Và cũng như mình nói ở trên, bài viết này cũng có thể không hoàn toàn đúng và thậm chí hoàn toàn sai, mình sẽ cố gắng bổ sung các tài liệu hoặc dẫn chứng liên quan khi mình cảm thấy các tài liệu này đủ tin cậy, và chỉ chia sẻ ở đây trước nhất như một quan điểm cá nhân mà bản thân cảm thấy cần thiết trong thời đại hiện nay.

1 thought on “Tranh luận trên mạng xã hội”

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *