
Cùng một chủ đề, câu chuyện, có người khiến bạn gật đầu ngay, nhưng người khác lại khiến câu chuyện trở nên xáo rỗng.
Ở đây không bàn tới nội dung hội thoại, mà bàn đến cách chúng ta nói. Có một vài kỹ thuật để khiến lời nói của bạn thu hút, hấp dẫn và có sức nặng, có giá trị hơn, trước hết là kỹ năng tư duy phản biện.1. Tư duy phản biện là gì?
Cách hiểu bề mặt được dịch từ từ gốc “critical thinking” – “tư duy phản biện” thường khiến chúng ta liên tưởng đến việc phản bác lại ý kiến, trong khi thực tế mang một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Tư duy phản biện là việc nhìn nhận, phân tích và khai thác vấn đề từ nhiều góc cạnh nhằm tìm ra phương hướng giải quyết tối ưu nhất.
Trái với nguyên lý cốt lõi là tìm ra hướng giải quyết của vấn đề, tư duy phản biện được hiểu nhiều theo một trường nghĩa khá sai lệch, là tìm ra khuyết điểm của vấn đề, đa phần, nhằm lên án hoặc từ chối một phương pháp giải quyết một vấn đề nào đó. Khái niệm tư duy phản biện bắt nguồn từ phương Tây, nơi văn hóa đề cao cá nhân, đề cao tư duy sáng tạo và lập luận giải quyết theo nhiều chiều hướng. Khi du nhập vào phương Đông, với văn hóa đề cao tập thể và bài trừ khác biệt cá nhân, khái niệm này cũng dường như mang đến sự hiểu biết sai lệch, khiến đa phần mọi người bỏ qua.
Từ đó thiếu mất một nhân tố quan trọng làm nên sự thành công của các cuộc tranh luận.
2. Tại sao phải tư duy phản biện?
Mỗi cá nhân đều có một lăng kính và một giới hạn nhìn nhận cho bản thân mình. Đồng thời, một cá nhân chịu ảnh hưởng bởi hàng ngàn yếu tố ngoại cảnh như xuất thân, môi trường, văn hóa, cảm xúc… làm giảm đáng kể tính khách quan khi nhìn nhận vấn đề. Ví dụ, ở Việt Nam, quan hệ trước hôn nhân được xem là một điều nghiêm trọng, trong khi ở phương Tây thì gần như ngược lại. Vì thế, nếu để một người, hoặc từ Châu Âu hoặc Châu Á, kết luận vấn đề này là sai hay đúng, chắc chắn gần như câu trả lời sẽ không bao giờ hoàn hảo.
Chính vì thế, tư duy phản biện ra đời nhằm thu thập càng nhiều góc nhìn càng tốt, nhằm giảm thiểu mức độ chủ quan và tăng tính khách quan khi giải quyết và đưa ra giải pháp.
Trong một tập thể đề cao tư duy phản biện, các hướng giải quyết sẽ được liệt kê, phân tích ưu điểm và khuyết điểm của từng phương án, sau cùng đồng thuận chọn lựa ra giải pháp tối ưu nhất. Nếu thiếu kỹ năng này, cuộc hội thoại sẽ trở thành một diễn đàn bảo vệ ý kiến cá nhân, tập trung chỉ vào mặt tiêu cực trong ý kiến người khác, dẫn đến chia rẽ và thường không mang lại kết quả gì.3. Làm sao để tư duy phản biện?
Tập trung giải quyết vấn đề
Các cuộc họp đa phần diễn ra theo chiều hướng: nêu ra vấn đề, nêu ý kiến, phản bác ý kiến, phản bác ngược, công kích cá nhân, hùng biện, thay đổi mục đích từ tìm giải pháp sang bảo vệ giải pháp, và chờ đợi một cuộc họp tiếp theo.
Điều này vô cùng khó tránh khỏi vì mỗi người đều có cái tôi cao, và bộ não thường có xu hướng thiên lệch nhằm điều khiển chúng ta tin hoàn toàn vào điều chúng ta nói.
Chính vì thế, mọi ý kiến phản bác thường được chúng ta ghi nhận là đang phản bác cá nhân người nói, chứ không phải chỉ mỗi ý kiến đó. Có nhiều cách để rèn luyện tư duy phản biện, nhưng phương án dễ áp dụng nhất là tập trung thật nhiều vào kết quả. Ghi nhớ rằng điều cuối cùng chúng ta cần là phương án hiệu quả nhất, chứ không nhất định là phương án của chính chúng ta.Đưa ra nhận định có thể kiểm chứng

“Cô đó ăn mặc có vẻ tuềnh toàng, chắc chắn không làm được việc gì.” Là một kiểu tư duy sai lệch và vô căn cứ thường gặp nhất.
Ý kiến thường rất dễ đưa ra, nhưng ít người đưa ra được bằng chứng xác đáng. Bằng chứng ở đây không thể bằng ý kiến cá nhân, dù cho địa vị của cá nhân đó như thế nào, bằng chứng phải đo đếm được và đúng với thực tế. Nếu muốn nhận xét một nhân viên làm việc không hiệu quả, phải đánh giá dựa trên quá trình công tác, doanh thu thực tế, chứ không dựa trên bộ đồ cô ấy đang mặc.
Ghi nhớ rằng, bất cứ ý kiến nào không thể kiểm chứng đều không có giá trị, ngoại trừ quan điểm cá nhân.
Tránh các lỗi giao tiếp thường gặp
Có rất nhiều lỗi giao tiếp mà chúng ta có thể mắc phải trong quá trình tranh luận, vì đa phần cảm xúc thường đi trước lý trí. Dù cho chúng ta có là người lý trí đến đâu, thì theo khoa học kiểm chứng, chúng ta thường đánh giá dựa vào trực giác đầu tiên.
Lỗi giao tiếp thường gặp nhất ngăn cản tư duy phản biện chính là công kích cá nhân.
Biểu hiện của công kích cá nhân thường rõ ràng hoặc ngầm hiểu, nhưng vì đa phần chúng ta đều quen với việc đó, nên hay vô tình bỏ qua. “Ông ta là sếp lớn, thường làm việc ở trụ sở chính, không theo dõi hoạt động ở nhà máy, nên ý kiến của ông ta không thể đúng được.” là một kiểu công kích cá nhân. Ngoài ra, đưa ra giả định ngầm cũng là một dạng lỗi giao tiếp. “Anh ta chắc hẳn cảm thấy xấu hổ nên mới không nói ra việc đó.” chính là một giả định ngầm không có bằng chứng và không có giá trị phản biện.Đặt câu hỏi thông minh

Một yếu tố cốt lõi của tư duy phản biện là biết đặt các câu hỏi chính xác, nhằm vào trọng tâm vấn đề.
Nếu muốn tranh luận về quan hệ trước hôn nhân, nên hỏi là với đối tượng nào, nền tảng kinh tế, kiến thức ra sao, thay vì hỏi xem cô ấy có hư hỏng hay không, có hay đi chơi với nhiều người hay không. Càng nhiều câu hỏi thông minh, càng ít thời gian cần bỏ ra để giải quyết, và càng nhanh chóng nhận được câu trả lời.Tiết chế cảm xúc
Câu hỏi phản biện thông minh có thể không phát huy tác dụng nếu người hỏi có một thái độ đe dọa, mỉa mai nhằm mục đích điều khiển người nghe trả lời theo hướng mình mong muốn.
Điều tiết bản thân cũng là một kỹ năng cần thiết không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống, trong rất nhiều khía cạnh không riêng về tranh luận hay nêu ý kiến.
Đặc biệt đối với những người nhạy cảm và có cá tính mạnh, việc điều tiết cảm xúc sẽ khó hơn rất nhiều, đòi hỏi sự rèn luyện thường xuyên cũng như có những phương pháp kiểm soát, nhằm tránh mang lại những kết quả không mong muốn trong giao tiếp thường ngày. — Thời gian gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và mạng xã hội, xư hướng tranh luận cũng phát triển với nhiều ưu và nhược điểm. Phát triển kỹ năng tranh luận, tư duy phản biện sẽ giúp chúng ta kỹ lưỡng hơn trong việc đóng góp ý kiến, xây dựng hình ảnh cá nhân và đưa ra phương án giải quyết hiệu quả nhất cho các vấn đề xã hội.
Tư duy phản biện cũng giúp cá nhân sàng lọc thông tin, tránh các dạng thông tin sai lệch và thiên kiến kết luận nhanh dẫn đến nhiều kết quả không mong muốn.
Hãy trân trọng từng ý kiến, quan điểm của bản thân bằng cách suy xét cẩn thận, hạn chế tối đa đánh giá chủ quan và tránh tranh luận các vấn đề không thuộc phạm trù hiểu biết của chính mình. Đó cũng là cách khiến bạn ngày càng trở nên thuyết phục hơn.