everything needs a start
Khi bạn bắt đầu làm một việc gì đó, bạn đã 50% hoàn thành nó.
Đó là điều mình nhận ra sau khi tập quan sát chính bản thân để tìm ra cách làm việc hoặc học tập hiệu quả hơn.
Nếu bạn muốn đầu tư cho một việc gì đó, xin hãy đầu tư vào một điểm khởi đầu.
TẠI SAO LẠI LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU?
Vì đây là chiếc cổng duy nhất bắt giữa việc bạn có hay không làm một việc gì đó.
Bạn muốn học tiếng Anh?
Điều duy nhất bạn cần làm là bắt đầu mở sách, mở Youtube, đăng ký đi học, bất kỳ thứ gì.
Người ta thường tưởng quá trình mới là điều khó khăn, nhưng thực ra khởi đầu quyết định tất cả.
Vì khi bạn đã bắt đầu làm một việc gì đó, bộ não sẽ có cơ chế thích nghi dần và khiến việc đó bỗng trở nên tự nhiên hơn bao giờ hết.
Nhưng bộ não đồng thời cũng là một kẻ lười hèn nhát.
Nếu bạn chỉ xem việc mình làm là một điều “mong muốn”, não sẽ biết cách giữ bạn đứng càng xa cánh cửa càng tốt, bởi vì chỉ cần bạn chần chừ ở ngưỡng không biết có nên làm hay không, thì chắc chắn 80% bạn sẽ chọn quay đầu về vùng an toàn của mình.
Điều này bạn hiểu rõ hơn ai hết.
Nhưng kẻ lười nhát đó một khi đã bắt tay, thì nó sẽ cảm thấy trân quý công sức bỏ ra, tiếc nuối hay buồn bực nếu không hoàn thành công việc đó. Và vậy là chúng ta làm xong điều chúng ta muốn lúc nào không hay.
kẻ thù của sự bắt đầu
TRÌ HOÃN
Một kẻ đã không quá xa lạ gì với thời đại ngày nay.
Len lỏi vào từng tầng lớp, bộ phận con người, đặc biệt là giới trẻ.
Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao tôi lại trì hoãn?”
Một trong số đó là do nhịp độ của cuộc sống càng ngày càng nhanh, khiến người chậm nay càng chậm hơn.
Người thiếu bản lĩnh dễ dàng sinh ra hèn nhát, kết quả là cuộn tròn lại lười biến như một chú mèo trong khi những con hổ khác vẫn hằng ngày chạy trước bình minh.
Thời gian không chờ đơi là quy luật bất biến của vũ trụ.
Bạn trì hoãn, bạn ở lại sau cùng.


THIẾU CAN ĐẢM
Đây là vấn đề không từ một ai.
Từ việc lớn đến việc nhỏ.
Bắt đầu một công ty cần sự can đảm, bắt đầu ra phòng tập cũng vậy.
Từng điều nhỏ nhặt đều tiềm ẩn những rủi ro. Nhưng tiếc thay là ít người dám chấp nhận đối mặt với rủi ro đó. Dù tỉ lệ so sánh với thành công nhiều khi không đáng kể.
Bây giờ người ta có quá nhiều lý do để giải thích cho việc không làm gì đó, nhưng lại chẳng hề bận tâm dành ra 1 lý do để bắt tay vào làm.
Kẻ hèn nhát không thể mưu cầu sự thành bại.
Không những thành công, mà kể cả sự thất bại bạn cũng không có được, thì tuổi trẻ của bạn quả thực hơi đáng tiếc.
THIẾU ĐỘNG LỰC
Mình đã viết hẳn một bài về tìm cảm hứng, và cũng rất tâm đắc với chủ đề này.
Mình dám hình dung một cuộc sống nếu thiếu động lực sẽ buồn chán như thế nào nữa.
Cá nhân mình làm một kẻ làm việc với ý tưởng, cảm hứng thì như làm cơm ăn hằng ngày. Thiếu động lực xem như là chết đói.
Chính vì thế, ngoài việc tìm nguồn cảm hứng từ bên ngoài. Mình cũng hay chú tâm tự tạo động lực cho chính mình, để tránh tình trạng “có hứng mới làm”.
Động lực sẽ như một cú hích bạn bước qua cánh cửa, để từ đó mở ra cho bạn không biết bao nhiêu là cơ hội.

BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO?
Khi đã biết kẻ thù của mình là ai, việc bạn cần làm chỉ là chậm rãi đánh bại từng tên một để có cho mình một khởi đầu hoàn hảo. Lấy ví dụ về một vấn đề mà mình nghĩ ai cũng cần thiết là tập thể dục, thì 3 bước để bắt đầu cụ thể như sau:
Đánh bại sự trì hoãn
Điều gì đang khiến bạn trì hoãn?
Không có thời gian? Không có nơi tập? Không ai tập cùng?
Viết ra câu hỏi sẽ khiến bạn dễ tìm thấy câu trả lời.
Nếu không có thời gian, hãy tìm cách sắp xếp.
Đừng tự lừa mình nữa, bạn không bận như bạn vẫn nghĩ đâu, đặc biệt là khi bạn vẫn có thời gian đọc đến đây.
Mở Youtube tìm kiếm một bài tập 5 phút, hoặc 3 phút. Tập chừng một tuần và bắt đầu tăng lên 10 phút, 15 phút.


Không có nơi tập, tự tạo ra nơi tập.
Trên mạng có 8374348476 bài tập mà bạn có thể dễ dàng tập tại nhà, trong không gian vài mét vuông.
Nếu cảm thấy chật chội thì hãy ra phòng tập, đừng nghĩ phòng tập là cái gì đó quá to tát đắt đỏ, bản thân mình cũng chỉ tập với giá 4 ly trà sữa/tháng.
Không có ai tập cùng, tận hưởng đi.
Tập Yoga hay workout không cần thiết phải có người tập cùng, tại sao cứ phải chờ đợi trong khi cuộc sống là của bạn, thậm chí mở clip tập thấy người ta đẹp lộng lẫy đã thấy ý chí cao ngút ngàn rồi.
Còn lý do gì để trì hoãn nữa không?
Tìm kiếm sự can đảm
Đương nhiên ban đầu khi đi tập mình cũng có nghe nhiều vấn đề như vóc dáng hay chấn thương, cũng đã khá lo sợ.
Thậm chí mình còn suýt ngất trong ngày đầu tiên vì tuột đường huyết, trong khi nhỏ lớn chưa bị bao giờ.
Ngay lúc đó mình đã nghĩ, chắc tập cái này không phù hợp rồi, bỏ ngay thôi.


Nhưng chẳng biết tại sao hôm sau đó mình vẫn đi, mình tự nói là thôi cứ thử lại, không được thì nghỉ chứ cũng không mất mát gì, và ngày hôm sau đó mình cũng nghĩ như vậy. Kết quả là thói quen của mình đến tận hôm nay.
Một trong những điều khiến mình can đảm chính là việc tự tìm hiểu thông tin, nắm rõ bản chất vấn đề, và may mắn có một người chỉ dẫn tốt.
Và thế là giờ mình không cần can đảm nữa vì nó đã trở thành một sở thích.
Duy trì bằng động lực
Tất nhiên, trên dài hạn thì động lực chính là thứ cần thiết nhất quyết định bạn có duy trì được điều gì đó hay không.
Trong khoảng thời gian 1 năm thì cũng có những lúc mình nản, đau hoặc quá bận bịu để sắp xếp.
Nếu là lúc trước thì mình sẽ nhanh chóng bỏ hẳn nếu bỏ trong 1 khoảng thời gian ngắn.
Nhưng mình tìm ra bản chất của việc đó chính là cảm giác tội lỗi khi bỏ ngang một thứ mà mình đã bắt đầu.


Rồi mình tự hỏi là tại sao, có ai trách cứ mình gì đâu, cũng chẳng ai quan tâm đến ngoài bản thân mình, thì cứ thế mà bắt đầu lại thôi, làm gì có vấn đề, nhỉ?
Và thế là mọi thứ cứ tiếp diễn như một lẽ tự nhiên.
Đôi lúc mình cũng phải xem, nói chuyện hoặc trao đổi về vấn đề này để cảm thấy động lực hơn, nhưng chỉ là những giây phút ngắn, còn lại phải là bản thân mình tự động viên mình, vì đích đến cuối cùng mà mình cho là hợp lý – sức khỏe.