
Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình
Đến một lúc nào đó trên cuộc đời, ta sẽ nhận ra khoảnh khắc ngồi bên cạnh người mình yêu, chính là tất cả những gì chúng ta muốn đến cuối cùng, và không bao giờ mua được bằng tiền.
Một nửa cuộc đời mình, chúng ta sẽ dùng để trải qua những thứ na ná tình yêu. Một nửa còn lại, nếu may mắn, chính là những giây phút mà chúng ta, cùng với một người khác, bỗng dưng cùng nghĩ về một chuyện, ngắm về cùng một hướng.
Một kẻ không yêu như mình, thì không thể viết được chuyện tình, nhưng để nói về tình yêu, thì cũng không hẳn là không có cách.
Có lẽ ngoài sự nghiệp, thì tình yêu là một trong những thứ tiêu tốn nhiều thời gian nhất trong một đời người.
Mọi người đều yêu, đó là điều không thể chối cãi.
Chính vì thế, học cách đối xử với tình yêu của mình, của người dành cho mình, không bao giờ là thừa thãi. Đặc biệt, đối với những người trẻ, những người đã yêu, đang yêu hay đã quá mỏi mệt vì 2 chữ này.
1.Tình yêu là gì?
Đừng mong chờ bất kỳ câu trả lời nào ở đây.
Đã qua bao nhiêu thiên niên kỷ rồi, chưa từng có một ai giải thích, trả lời, hay khiến cả thế giới đồng tình về bất cứ khái niệm nào của tình yêu. Trừ những câu hỏi được bỏ lửng.
Tuy nhiên, tình yêu có thể được nhận thấy qua một vài “triệu chứng” thường gặp (mà mình biết).
- Nghĩ về một người hơn 80% thời gian trong ngày.
- Đi vào một tiệm thời trang, bắt gặp một chiếc áo đẹp, lập tức nghĩ đến mua tặng.
- Chạy đến bên cạnh khi người đó gọi, bất kể không, thời gian, bất kể lý do gì.
Tình yêu là cảm xúc.
Chính vì thế không có cách nào để chống lại, để từ chối, hay giả vờ. Bằng cách này, hay cách khác, nếu đã thực sự là tình yêu, thì sẽ có cách để điều này bộc lộ, bằng cử chỉ, lời nói, hay thậm chí chỉ với một ánh nhìn.
2. Ngày nay, người ta thường không vội vã yêu nhau.
Có lẽ nên dùng từ “chưa” thì sẽ hợp lý hơn. Nhưng nếu tính theo hiện tại thì cũng không sao.
Mỗi ngày của một người bị chi phối bởi quá nhiều thứ.
Học tập, công việc, tiền bạc, gia đình, thậm chí cả những dòng tin vắn thời sự, và người ta thường lấy đó làm lý do để trì hoãn việc chọn đồng hành cùng một người trong hầu hết thời gian của chính mình.
Nhưng thật sự ra, có mấy ai lại không muốn mình yêu và được yêu. Người ta thường khao khát nữa là đằng khác.
Đừng nói rằng bạn chưa từng có cảm giác muốn được một người lạ bỗng dưng quan tâm, chăm sóc, biết bạn hôm nay thích ăn món gì, mệt mỏi ra sao, chán chường thế nào.
Vậy tại sao ngày nay, đặc biệt là phụ nữ, thường kén chọn người yêu, hoặc ít khi nhận lời yêu một ai đó.
Bản năng của nam và nữ từ ngàn xưa đến nay, thực ra không có gì thay đổi nhiều. Người nam ngày xưa chịu trách nhiệm duy trì nòi giống, chính vì thế bản năng của đàn ông là chinh phục và hấp dẫn giới còn lại. Còn phụ nữ, vốn dĩ đảm đương việc sinh nở, nên bản tính ưa chuộng an toàn, bảo vệ.
Và đa phần phụ nữ ngày nay, chọn cách tự bảo về mình trước tiên.
3. “Đừng để người phụ nữ cô đơn quá lâu, đến một ngày họ sẽ không cần đến bạn nữa…”
Trích dẫn có vẻ hơi “ngôn tình” này, thực chất lại đúng với đa phần phái đẹp.
Phụ nữ vốn dĩ nhạy cảm, không phải là do cố tình, mà là do cấu trúc não bộ quy định một số chức năng, mà trong đó, phụ nữ thường đối mặt với cảm xúc nhiều hơn đàn ông. Sát thương tinh thần cũng vì thế mà cao hơn, cảm giác an toàn trong một mối quan hệ cũng khó khăn hơn.
Chỉ đến ngày hôm nay, khi các quy chuẩn xã hội đã bớt hà khắc hơn, phụ nữ mới được quyền chọn lựa cách đối xử với tình yêu của mình, hơn là để các khái niệm của xã hội hoặc sắp xếp cổ hủ quy định việc chọn lựa một nửa. Việc này cũng dẫn đến, phái nam sẽ ngày càng khó khăn hơn để thuyết phục một người con gái đến với tình yêu của mình. Việc này vừa thú vị, lại vừa có phần “chông gai” hơn.
Một khi phụ nữ đã có thể làm được hầu như tất cả mọi việc mà cô ấy cần ở một người đàn ông, thì tại sao cô ấy lại còn cần thêm có một người để làm những việc tương tự, và đôi khi, đính kèm theo cả những điều không mong muốn?
Nhưng phụ nữ vẫn cứ yêu.
Đơn giản vì cô ấy yêu thôi. Không có lý do gì cả.
Nhưng nếu cô ấy từ chối hoặc trì hoãn bước vào một mối quan hệ, thì chắc chắn phải có lý do.
4. Tại sao mình chưa thể nói chuyện tình?
Thông qua lăng kính của một cô gái trẻ, có nền tảng tri thức và suy nghĩ khá đại trà, gần giống với một bộ phận bạn gái trẻ trong thời đại ngày nay, mình mong muốn chia sẻ góc nhìn của bản thân để có thể cho cánh mày râu phần nào hiểu về những cô gái có những tính cách tương tự như mình: nhạy cảm, độc lập và có những dự định riêng cho bản thân.
Mình chưa sẵn sàng.
Tại sao để biết khi nào người phụ nữ đã sẵn sàng hay chưa?
Đây cũng là một trong những câu hỏi không có câu trả lời.
Tùy theo quan điểm, phụ nữ hay có những cột mốc hoặc những tiêu chí để cho phép bản thân mình bắt đầu một mối quan hệ.
Đối với mình thì đó là những tiêu chí về công việc, mức độ trưởng thành trong suy nghĩ và mức độ giữ cân bằng cuộc sống. Đối với một cô gái nhạy cảm như mình, việc bộc lộ các cảm xúc tiêu cực chính là điều có thể phá hỏng mối quan hệ nhanh nhất, mà chỉ khi mình có thể kiểm soát được, mình mới có thể tính đến việc yêu đương.
Nếu chọn yêu một người trong lúc bản thân chưa hoàn thiện, sẽ là thiệt thòi cho bên còn lại, nên mình chọn cách rèn luyện bản thân trước, gác lại tình cảm của bản thân.
Suy nghĩ lâu dài.
Mình là một kẻ lo xa.
Mình sẽ không bắt đầu một mối quan hệ nếu điểm kết thúc không phải là một gia đình thật sự.
Mình không nói đến việc phải kết hôn, nhưng là cách mà người ta có thể cùng nhau nhìn về một hướng, ủng hộ những quyết định trong cuộc đời và chống đỡ qua các khó khăn.
Mình là người của gia đình, nên mình không có khái niệm chọn một mối quan hệ có hạn sử dụng.
Điều này cần ở cả hai một mức độ trưởng thành nhất định và một mức độ thấu hiểu cần có để có thể hỗ trợ nhau trong các kế hoạch của cuộc đời.
Tình yêu của mình có vẻ hơi nặng nề, chính vì thế mình không chọn gật đầu, bày tỏ hay ép buộc bất kỳ ai.
Mình chọn cách xây dựng các nền tảng cần có để có thể chấp nhận hoặc giúp đỡ một khi đã chọn lựa được một nửa còn lại.
Người kia chưa sẵn sàng.
Có thể dưới góc độ của họ, họ đã sẵn sàng cho mối quan hệ đó. Nhưng đối với mình thì chưa đủ.
Thứ nhất, tình yêu là chuyện của hai người.
Kể cả day dứt về người cũ cũng được tính là một người. Vậy thì mình sẽ không nằm trong câu chuyện đó.
Khi mà người ta vẫn đang lựa chọn giữa quá khứ, hiện tại hoặc các hiện tại với nhau, thì chắc chắn đó chỉ là một thứ na ná tình yêu.
Không có ai yêu một người nhưng lại nuối tiếc về những điều xưa cũ. Tình yêu của mình vốn dĩ là một khối toàn vẹn, nên không thể cho đi để nhận lại những khoảng hở vô tình.
Thứ hai, tình yêu của người kia chưa đủ.
Đối với phụ nữ, rất dễ để nhận biết một người có thật sự yêu họ hay không. Bạn có thể gọi đó là giác quan thứ 6 hay gì cũng được.
Nhưng những người phụ nữ nhạy cảm có thể dễ dàng nhận biết mức độ quan tâm của bạn có thật sự đủ để gọi là tình yêu, hay là sự cảm tình nhất thời, hay thậm chí chỉ là mong muốn chinh phục họ.
Thứ ba, bạn thật sự chưa nằm trong tần số mà cô ấy cần.
Có thể bạn thật sự yêu cô ấy.
Nhưng tình cảm là chuyện của 2 người, và lại càng không thể ép buộc. Thấu hiểu là yếu tố đầu tiên quyết định một mối quan hệ có vững bền và ý nghĩa hay không.
Nên đôi lúc, “không hợp nhau” cũng là một trong những lý do có thể chấp nhận được.
Nếu cô ấy thật sự không thể mở lòng, chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống với bạn, thì sẽ tốt nếu duy trì một mối quan hệ bạn bè đơn thuần, hơn là tìm cách để buộc cô ấy chấp nhận.
Một mối quan hệ lành mạnh.
“A healthy relationship is one where two independent people just make a deal that they will help make the other person the best version of themselves.”
“Một mối quan hệ tốt đẹp là khi hai cá thể độc lập thống nhất cùng nhau trở thành những người tốt hơn.”
Ngay cả khi mọi thứ đều hoàn hảo, một mối quan hệ lành mạnh cũng là vô cùng khó khăn.
Vì dù tình yêu là chuyện của 2 người, nhưng sẽ luôn có các yếu tố ngoại cảnh tác động vào sự cân bằng đẹp đẽ đó, mà một mối quan hệ không đủ gắn bó, sáng suốt và tin tưởng sẽ dễ dàng đánh gục cả 2 người.
Không chỉ riêng đối với mối quan hệ đó, mà còn với cả chính cuộc sống riêng của mỗi người.
Chia tay chưa bao giờ là một điều dễ chịu, đúng không?
Tình yêu chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Nên thay vì đắm mình vào cảm xúc trong khi bản thân còn quá non nớt trong suy nghĩ, mình chọn hoàn thiện bản thân mình trước tiên, để nếu có thật sự tìm gặp được nhau, thì sẽ có thể giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, ít bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài và biết cách trân trọng nhau nhiều hơn.
Vì đơn giản, chính bản thân mình còn không yêu được mình, thì làm sao có thể yêu thêm người khác, nhỉ?
You May Also Like

Tại sao chúng ta thường không thích việc học?
April 6, 2020
Cách xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội
April 3, 2020
3 Comments
Phuong Le
Bài viết khá hay, cám ơn bạn!
ponile
Cám ơn anh rất nhiều! ^^
Ji
Em cám ơn chị <3 Tình cờ em ghé qua thăm nhà của chị và đọc được bài viết này. Mong là chị sẽ tiếp tục kể chuyện ạ <3