Điều mình muốn thay đổi nhất nếu được quay về quá khứ, chính là đọc sách nhiều hơn.
Từ lúc biết đọc cho đến năm lớp 5, mình đọc gần như tất cả mọi thứ mình có thể đọc. Từ sách, báo cho đến bảng hiệu, hướng dẫn sử dụng sữa tắm đều được mình đọc không sót món nào. Có thể nói, mình đã thể hiện tình yêu với chữ viết và ngôn ngữ từ khi còn rất nhỏ.
Nhưng khi bắt đầu vào cấp 2, việc đọc dần trở thành một cực hình, và mình đã cảm thấy việc đọc sách trở thành một cái gì đó xa xỉ và khó khăn.
1. Tại sao mình từng ghét đọc sách
Mình bị ép đọc những thứ mình không thích.
Các thể loại văn mẫu, sách giải, những thứ vốn dĩ khô khan, không gây cho mình hứng thú làm cho việc đọc trở nên khó khăn.
Mình có quá nhiều sự lựa chọn.
Con người rất dễ sa vào chán nản khi đứng trước quá nhiều sự lựa chọn.
Khi mình còn nhỏ, mỗi lần chỉ được mua một quyển sách, và tất cả sự tò mò chỉ tập trung vào quyển sách đó khiến mình ngấu nghiến từng câu từng chữ, đọc đi đọc lại và có những thứ vẫn còn tồn đọng đến tận bây giờ.
Nhưng khi bắt đầu sở hữu nhiều hơn, có nhiều sách hơn, niềm vui thích của mình bị phân tán, việc đọc không còn là khám phá mà trở thành một “công việc” – phải đọc hết tất cả sách mình có!
Môi trường không kích thích việc đọc.
Khi mình học cấp 2, cấp 3, việc đọc sách được coi là một việc khá “sang chảnh” đối với hầu hết mọi người xung quanh.
Nếu mình cầm quyển sách đọc, chắc hẳn sẽ gây sự chú ý, và mình dễ bị tác động nếu bị ai khác bảo là “mọt sách”.
Thậm chí, tư duy này ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của mình, khiến mình nghĩ việc đọc là một điều gì đó quá xa vời, dư thừa, và mình chắc chắn không bao giờ làm được.
Mình còn khiến bản thân “đồng hóa” với lối suy nghĩ đó và tự hào khi mình không dính tới việc đọc nhằm chứng tỏ bản thân là người… hoàn toàn bình thường.
Mình không có thời gian.
Thật sự là như vậy.
Như bao học sinh trung học bình thường ở Việt Nam, mình bị cuốn vào guồng quay điểm số, tầng tầng lớp lớp ca học thêm ngoài giờ và các hoạt động giải trí mà mình từng nghĩ là bổ ích.
Kết quả là thời gian biểu của mình quá dày đặt để có thể thêm vào một vài quyển sách.
Mình không có mục đích cho việc đọc.
Tất cả những niềm vui thích, tò mò, thuở thiếu niên, một mục đích rõ ràng để chọn và đọc những quyển sách phù hợp với bản thân, hay một hướng dẫn cụ thể về việc đọc sách, mình đều hoàn toàn không có. Nên mình bỏ quên việc đọc sách.
2. Điều gì đã đưa mình trở lại
Học kỳ quân sự.
Chính xác, bạn không nghe lầm đâu.
1 tháng sống biệt lập hoàn toàn trong khu quân sự, không wifi, không lên mạng. Ngoài việc học và tập luyện thì hầu như thời gian rảnh có thể giết chết bất kỳ ai đã quen với nhịp sống hối hả bên ngoài.
Một buổi sáng, khi đang vào giờ sinh hoạt chung, mình thấy bạn mình đang đọc quyển “Trên đường băng”, mình quyết định mượn đọc thử. Và chính thức quay trở lại con đường đọc sách sau kỳ quân sự đó.
Thói quen là một thứ vô cùng hữu ích cũng vô cùng tai hại tùy theo loại thói quen mà bạn đang sở hữu.
Nếu bạn đang có một thói quen xấu và cần thay đổi, bạn cần một bước ngoặt, và kỳ quân sự đó đóng vai trò bước ngoặt.
Khi mình bắt buộc phải thay đổi thói quen hằng ngày, đó cũng là cơ hội để mình bắt đầu việc hình thành một số thói quen tốt.
3. Vì sao phải đọc sách?
Vì kiến thức là thứ tài sản duy nhất sản sinh ra nguồn lực vô tận mà không thể bị cướp đi.
Đặc biệt vào thời đại ngày nay, người ta ngày càng nhận thức về lợi ích của việc trau dồi kiến thức và phát triển bản thân. Nếu bạn thức dậy sáng hôm nay mà không học thêm được gì, chắc chắn bạn đang thua một người đang tìm tòi học thêm một kiến thức mới.
“Mỗi sáng thức dậy, con linh dương Phi châu biết rằng: Nó sẽ bị giết nếu không chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất! Mỗi sáng thức dậy, con sư tử biết rằng: Nó sẽ chết đói nếu không chạy nhanh nhơn con linh dương chậm nhất! Dù bạn là sư tử hay linh dương, bạn đều phải chạy khi mặt trời ló rạng.”
Bản năng sinh tồn (The Essence of Survival)
Nếu bạn nhìn nhận đủ sâu, bạn sẽ thấy, sách là con đường học tập ngắn gọn và thẳng thóm nhất.
Sách được viết ra từ những nguồn kiến thức đã được trải nghiệm, đúc kết và kiểm chứng qua thời gian.
Chính vì thế, khi bạn đang đọc một quyển sách, bạn được phép bỏ qua rất nhiều khó khăn mà người viết đã phải trải qua để đến thẳng điểm kết, là giá trị cốt lõi của quyến sách đó.
Sách còn là nguồn kiến thức vô hạn, có khả năng sở hữu và linh động nhất.
Có hằng hà quyển sách về đủ mọi chủ đề mà bạn có thể chạy ra nhà sách hoặc đặt hàng ngay qua vài cú nhấp chuột. Bạn cũng có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi.
Tất cả những gì bạn cần chỉ là một chỗ ngồi thoải mái, và một quyển sách. Thế là xong.
4. Làm sao để bắt đầu đọc sách
Từng là một người có vấn đề với việc đọc và tìm lại được niềm yêu thích đọc sách. Mình có một số “bí kíp” hi vọng sẽ giúp được bạn tìm ra lý do để bắt đầu thưởng thức một quyển sách nào đó, ngay bây giờ, ngay hôm nay.
Đọc những quyển sách khiến bạn hứng thú.
Đừng chỉ chọn những quyển sách mà bạn mình đang đọc, hay chỉ vì ai đó bảo là hay.
Hãy tìm xem mình thật sự thích đọc về điều gì và bắt đầu từ những quyển sách dễ đọc nhất trước, được nhiều người đánh giá cao cho đến những quyển hơi khó hơn, chuyên sâu hơn.
Quan trọng nhất hãy luôn nhớ là bạn phải thích trước đã.
Dành riêng thời gian để đọc.
Mối nguy hại nhất của thời đại này chính là sự mất tập trung.
Đừng để những tiếng tin tin báo tin nhắn, màn hình máy tính hay tạo cơ hội cho bất kỳ ai gián đoạn việc đọc của bạn.
Hãy tìm một khoảng thời gian và cho phép mình rũ bỏ suy nghĩ, đắm chìm hoàn toàn vào quyển sách.
Hãy tạo kỷ luật cho bản thân với lịch đọc sách này, thực hiện tầm 2-3 lần/tuần, mỗi lần tầm 30 phút, sau 1 tháng bạn sẽ quen dần với việc có một khoảng thời gian riêng chỉ để đọc.
Hãy ghi nhớ sự quan trọng của việc hình thành thói quen đọc sách một cách dần dần và bền vững.
Đừng ép buộc bản thân, cũng đừng mua quá nhiều sách.
Đừng đặt ra mục tiêu quá lớn nếu bạn chỉ mới đọc sách.
Đọc 2 quyển sách 1 tuần hay 10 quyển sách 1 tháng chưa bao giờ thành công đối với mình.
Cũng đừng mua quá nhiều sách. Theo kinh nghiệm bản thân mình, khối lượng tỉ lệ thuận với độ lười biếng.
Nếu mình chỉ có 1 quyển sách, mình sẽ đọc xong trong vòng 1 tuần, còn nếu mình có 10 quyển sách thì mình lại chả bao giờ muốn đọc cả.
Chia nhỏ quyển sách.
Mình rất thích những quyển sách có chia phần. Đơn giản là mình sẽ cho phép mình nghỉ ngơi một chút khi đọc hết một phần.
Đọc sách cũng là lao động, mà lao động thì cần nghỉ ngơi.
Việc ép bản thân hoàn thành 1 lúc 1 quyển sách chưa bao giờ thành công với mình, đặc biệt với những ai mới bắt đầu đọc.
Hãy chậm rãi tận hưởng từng chút một.
Tìm một mục tiêu.
Mục tiêu giống như kim chỉ nam khiến bạn bỏ quan chướng ngại trên đường và hướng thẳng đến đích.
Ví dụ mình muốn nâng cao khả năng viết, mình sẽ tìm một quyển sách dạy về nội dung, và mục tiêu nâng cao kỹ năng khiến mình bỏ sự lười biếng mà sẽ dành tâm sức nghiên cứu quyển sách, vì mình có mục tiêu cho việc đọc đó.
Và thời điểm tốt nhất để bắt đầu đọc sách, là ngay bây giờ.
—
Trên đây chỉ là những mẹo nhỏ dành cho những bạn mới bắt đầu đọc sách.
Còn đối với những người đã sở hữu thói quen này thì sẽ cần đến những mẹo khác như cách chọn sách hay những nơi để tìm được sách hiếm.
Mình sẽ viết về những quyển dành cho người mới đọc, những quyển theo chủ đề như cải thiện tư duy, sống tối giản, hoặc những mẹo để tăng cường khả năng đọc. Hi vọng mọi người sẽ tìm được một vài điều bổ ích thông qua những bài viết này.
Mỗi tháng đọc 1 quyển sách, mỗi năm đọc 12 quyển sách, năm sau bạn sẽ biết nhiều hơn năm trước về 12 thế giới.