Hạnh phúc 4.0 | Một định nghĩa khác về hạnh phúc

Dạo này hay nghe người ta nói về cách mạng công nghiệp 4.0.

Đây có thể là niềm hân hoan cho nhiều người, đồng thời cũng là điều suy ngẫm cho nhiều người khác.

Có thật là chúng ta sẽ “phát triển”, “có nhiều hơn” và “tiện lợi hơn”, hay điều đó đồng nghĩa với một xã hội tự động thiếu nhân văn, dư thừa của cải và sự đi lùi về lao động.

Mình không hoàn toàn phủ nhận những lợi ích của nền công nghiệp mang lại từ xưa đến nay, rõ rang chính mình cũng đang thừa hưởng và sử dụng tài sản mà rất nhiều cuộc cách mạng công nghiệp để lại.

Nhưng khi nào thì đủ đây?

Khi rác thải ngày càng nhiều, môi trường ngày càng ô nhiễm, khí hậu thì nóng lên mà con người thì ngày càng phụ thuộc vào sự tự động hóa, vậy chúng ta cần gì ở trong sự biến chuyển đó?

CÔNG NGHIỆP HÓA

Mình biết đến cụm từ này đã khá lâu, và càng ngày càng thấy cụm từ này gắn liền với những thứ tiêu cực.

Gà công nghiệp, thực phẩm công nghiệp, kể cả con người cũng công nghiệp.

Chúng ta đang biến mình thành những cổ máy nhưng lại đòi hỏi những điều kiện hạnh phúc rất con người.

Chúng ta mua những sản phẩm công nghệ đời mới nhất để đòi hỏi sự tương tác chân thành.

Chúng ta mua thức ăn công nghiệp đòi hỏi mang hương vị “nhà làm”, đến mức chữ “nhà làm” cũng trở nên công nghiệp.

Chúng ta tiêu hóa những nguồn tin công nghiệp vô tội vạ không nguồn gốc xuất xứ và coi cái tri thức công nghiệp đó là nguồn sống vốn dĩ của nhân loại.

Chúng ta đòi hỏi bản thân khác biệt nhưng chấp nhận khuôn khổ và dễ dàng để những khái niệm buộc ta trở thành những con rối làm việc không mục đích hệt như hàng triệu triệu người khác.

Vậy rốt cuộc chúng ta trông chờ gì ở cuộc công nghiệp này?

HẠNH PHÚC 4.0

Cùng lúc với sự phát triển của công nghiệp, thì có những người đang đi ngược lại với trào lưu lề thói.

Họ nhận ra sự không ổn trong cách mà xã hội đang vận hành, trước những gì đang diễn ra, và may mắn thay, họ còn đang trẻ.

Họ âm thầm rút ra khỏi guồng xoáy công nghiệp, trở về với thiên nhiên, tìm ra mục đích sống và thỏa mãn với những hạnh phúc thật sự từ cuộc sống thường ngày.

Họ tự rèn luyện những thói quen để tâm đến cuộc sống xung quanh, họ mặc kệ sự vận động của công nghiệp hóa, họ sử dụng những vật liệu gần gũi với thiên nhiên, kêu gọi những người xung quanh bảo vệ môi trường, và sinh hoạt như một con người thật sự.

Và cái mà mình nhìn và ngưỡng mộ từ họ, chính là cái hạnh phúc 4.0 mà họ đang sở hữu, bao gồm: sức khỏe, thời gian, tinh thần, và thiên nhiên – cái mà công nghiệp hóa đang cướp mất của chúng ta.

1. SỨC KHỎE

Cái con người đánh đổi nhiều nhất trong cuộc cách mạng này, chắc chắn là sức khỏe.

Người ta đánh mất nó trong những khói bụi mịt mù của đô thị, của những khu công nghiệp sinh trưởng nhanh hơn những rừng cây xanh.

Ở đó họ lại đốt sức khỏe của mình cho những chuỗi dài ngày làm việc kinh hoàng không hợp lý để mơ tưởng về một tương lai xinh tươi mà cũng chính bàn tay họ đang phá hủy.

Họ đánh đổi những bữa cơm nhà bằng những thứ thực phẩm công nghiệp mà có trời mới biết được người ta đang dùng thứ gì để chế biến, chỉ vì sợ những thực phẩm cũng công nghiệp khác vẫn đang lấp ló mang nhãn mác của đồ sản xuất tại gia.

Đáng buồn cho một xã hội mà khi bán bất kỳ thứ gì người ta cũng phải kèm chữ “sạch”, để minh chứng cho sự sạch nào đó mà khách hàng tìm kiếm, chứ chưa hẳn là bản chất của sản phẩm.

Mà mình cũng hay thắc mắc là, nếu có sản phẩm sạch, thì sản phẩm phẩm đó ngầm mặc định những thứ không kèm chữ “sạch” thì là sản phẩm bẩn hay sao.

2. THỜI GIAN

Ai cũng hiểu là mỗi người đều có cùng một lượng thời gian, nên việc sáng tạo ra thứ gì đó nhanh chóng sẽ tiết kiệm được thời gian.

Điều này đúng, về mặt lý thuyết.

Thực tế là sản phẩm của chúng ta nhanh hơn thật, nhanh hơn rất nhiều, nhưng không dừng lại ở đó.

Con người luôn luôn tham lam.

Nếu chỉ dừng lại ở bản chất mục đích ban đầu là khiến mọi thứ nhanh hơn thì đã khác, người ta còn muốn giữ chân người khác lâu hơn một chút.

Vậy là hàng ngàn hàng vạn sự tiện lợi sinh ra, khiến cho việc xem 1 bộ phim trở nên nhanh hơn, tốc độ download trong nháy mắt, nhưng bên cạnh đó là hàng vạn bộ phim khác thay vì chỉ giữ chân chúng ta 1 tiếng, lại mất của chúng ta 1 ngày.

Một cái tin nhắn tiết kiệm được bao nhiêu dặm chuyển phát khi xưa, lại khiến một cuộc gặp mặt xa rời hơn bao giờ hết, vì ai biết bao giờ người ta mới thật-sự-gặp-nhau.

Thay vì thời gian để tận hưởng một ngày trọn vẹn, chúng ta lại cuống cuồng dùng thời gian đó để tự hỏi xem chúng ta có đủ cập nhật chưa, đủ tân thời chưa, mốt nào mới ra, trend nào đang thịnh, chúng ta đang trễ bao nhiêu nhịp so với xã hội.

Và cứ thế, từ thiếu một chút thời gian, ta đánh mất hoàn toàn thời gian của chính mình.

3. TINH THẦN

Có lẽ, tinh thần là thứ đáng thương nhất hiện tại.

Khi người ta không còn nhận ra đâu mới là tinh thần thật sự, lẫn lộn giữa những thứ vật chất và những biện pháp xoa dịu tinh thần ảo mà cứ ngỡ đó sẽ là liều thuốc.

Khi mình mô tả cuộc sống của mình, nhiều người phì cười và hỏi rằng: “Sống vậy thì vui chỗ nào?”

Có lẽ là do khái niệm của mỗi người khác nhau, nhưng quan trọng là khi mình hỏi lại là cuộc sống của bạn có vui vẻ không, có thoải mái không, hay hạnh phúc không, đa số cái mình nhận lại là sự im lặng.

Thế nên không biết bao nhiêu lần mình tự so sánh cái hạnh phúc của mình với cái “vui” của người khác xem có điểm nào khác nhau.

Nhưng rõ ràng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng.

Mình chỉ cảm nhận ở bản thân sự thoải mái, hài lòng, và thậm chí vui tươi, khác với nhiều người mình ngưỡng mộ họ ở sự thành công, nhưng đồng thời lo lắng ở khía cạnh những con người với nhau.

Đâu phải vô duyên mà những người lớn tuổi hoặc chỉ vừa bước qua ngưỡng cửa trưởng thành, cứ khản miệng kêu gào rằng họ ước mình đã dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, làm việc ít hơn một tí, hoặc có thể có ít tiền hơn.

Mình nghĩ mình may mắn khi nhận ra, ở độ tuổi này, rằng tiền không mua được gì cả.

4. THIÊN NHIÊN

Có những người hoàn toàn loại bỏ thiên nhiên khỏi cuộc sống, như là một phần tách rời không hề liên can.

Mình cũng đã từng như thế.

Nhưng trải qua tất cả sự quan sát, mình nhận ra con người không thể sống thiếu thiên nhiên.

Ngay cả không khí cũng là thiên nhiên, oxy từ cây mà có.

Vậy mà người ta lại dùng 360 ngày của một năm để đắm mình trong những nhà máy công nghiệp, dành 5 ngày còn lại để “trở về với thiên nhiên” và cho đó là một đặc ân.

Thực ra, chúng ta có thể sống với thiên nhiên bao nhiêu ngày tùy thích, tổ tiên của chúng ta phụ thuộc vào 100% thiên nhiên, và đến giờ vẫn thế.

Chỉ khác là chúng ta vẫn phụ thuộc, nhưng cương quyết tách rời, thậm chí phá hoại, một cách có học thức, hoặc không.

Đừng xem thiên nhiên chỉ nhưng một điều tạm bợ hoặc một nơi trốn chạy khi ta bị vây quanh bởi áp lực của chính mình tạo ra, hãy xem thiên nhiên là người bạn, là món quà, hoặc bất cứ điều gì quý giá cũng được, chỉ cần là bạn biết trân trọng và tận hưởng.

CÁCH MẠNG HẠNH PHÚC

Sở hữu tất cả những thứ kể trên: sức khỏe, thời gian, tinh thần và thiên nhiên, chúng ta có cho mình thứ hạnh phúc 4.0 không cần giành giật, mua bán hay đánh đổi quá nhiều.

Chúng ta đơn thuần chỉ sống như một con người, một cách thật bình thường, sở hữu đủ thứ mình cần, ăn được ngủ được, tinh thần vui vẻ phấn chấn, mỗi ngày học thêm 1 điều mới và không bao giờ ngừng lao động.

Nhưng thay vì những lao động hà khắc, việc trồng một cái cây, nuôi một con gà đã là một dạng lao động khiến bản thân thoải mái và hạnh phúc hơn rất nhiều.

Và hơn hết, người hạnh phúc phải là người nhận ra mình cần gì và muốn gì, không phải người khác muốn gì hay cần mình làm gì.

Hạnh phúc không chỉ là đạt được thành công, hạnh phúc chính là bữa sáng hôm nay thật ngon.

By Poni.

ByBy

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *