Chà, cũng đã kha khá lâu không viết chút gì cho mình.
Cái đam mê này tính ra cũng rất dịu dàng. Việc viết đối với mình vừa là nghề, lại vừa là sở thích. Đôi lúc có những việc diễn ra trong cuộc sống khiến cảm hứng bỗng bay biến đâu mất thì cái phần nghề vẫn nguyên xi đó để giúp mình cơm, áo, gạo, tiền, còn cái phần mình thì nghỉ ngơi để tìm lại những thăng hoa trong câu chữ.
Cứu tinh trong mỗi lần xuống tông như thế, vẫn là sách.

Lâu quá không đọc một cuốn sách nào khiến mình chẳng khác gì chiếc điện thoại hết pin, chẳng thể trăn trở và suy nghĩ sâu xa, nhưng thật may là chỉ cần tìm đúng một quyển “sách mồi” thì mọi chuyện vẫn đâu vào đó.
“Sách mồi” là những quyển truyền cảm hứng mạnh, dễ đọc để mình bắt đầu chu kỳ đọc sau một khoảng thời gian quá tải, stress hoặc biến dạng cảm xúc.
Và quyển lần này mình đọc là “Đúng việc” của Giản Tư Trung.

Nôm na thì đây là quyển sách truyền tải nội dung định hình con người, mà khái niệm ấn tượng với mình chính là tựa của bài viết này – giữ lại chính mình.
“Chính mình” là gì?

Người ta vẫn nghe phong phanh đâu đó cụm từ “đánh mất chính mình” hay “tìm lại chính mình”, nhưng chính mình là gì thì chắc ít ai hiểu được.
Định nghĩa “chính mình” như trong quyển sách này thì khá phức tạp, nhưng nói cho dễ hiểu thì mình là một bản thể hòa hợp giữa con người tự do bên trong và cá thể xã hội bên ngoài.
“Mình” luôn có một sự tự do, tự do suy nghĩ, biểu đạt và làm điều mình muốn, nhưng song song đó cũng không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và đạo lý của xã hội.
Đây là khái niệm khiến mình trăn trở rất nhiều từ lúc bắt đầu suy nghĩ.

Từ phía bản thân mình, mình tự định nghĩa mình là một con người yêu chuộng tự do trong khuôn khổ.
Mình yêu chuộng sự tự do trong tâm hồn, trong lối sống, trong cách hành xử, không thích và không để mình làm theo những thứ mà bản thân chưa hiểu rõ. Nhưng song song đó mình vẫn có một số quy tắc nhất định tự mình đề ra và cam kết với bản thân, như việc không bao giờ sử dụng rượu bia chẳng hạn.
Việc cái chính mình này từ đâu rớt xuống thì mỗi người sẽ có mỗi cách lý giải khác nhau.

Bản ngã là một tổ hợp của rất nhiều sự việc hỗn hợp diễn ra trường kỳ trong một khoảng thời gian và định hình nên tính cách. Như Samuel Smiles đã từng nói: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận.”
Tất cả những gì của bạn hiện tại đều là kết quả của một suy nghĩ nhỏ nhoi nào đó bạn đã từng gieo cho mình từ rất lâu về trước.
Và cái chính mình ở hiện tại là tất cả những niềm tin, những quy tắc và cách bạn giao tiếp với thế giới, như ví dụ về mình đã được nêu ở trên.
Vậy tại sao phải giữ lại chính mình?

Vì ngày nay người ta rất dễ đánh mất mình.
Vì cái gì?
Vì quá nhiều thứ trên đời, ví dụ là tiền.
Một ví dụ đơn giản của việc đánh mất chính mình chính là việc ăn cắp.
Sống dưới một bộ quy chuẩn xã hội cơ bản, chúng ta đều biết việc ăn cắp là trái đạo lý vì nó cưỡng đoạt và xâm phạm đến một người khác, chính vì thế việc bỏ qua sự tự trọng và sử dụng một đồ vật không phải sở hữu của bản thân chứng tỏ bạn đã tự rời bỏ chính mình, quay lưng lại với những chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Nhưng có những trường hợp khác, những chuẩn mực đạo đức của xã hội lại trái ngược với những gì bạn theo đuổi, như việc kết hôn đồng giới chẳng hạn, thì lúc này chính bạn phải là người nhận ra đúng, sai, phải, trái, lựa chọn và tin tưởng những gì bạn đã tìm hiểu, đúc kết và có kết luận cho riêng mình.
Xã hội không phải lúc nào cũng đúng, do đó chúng ta có quyền tự do ngôn luận, được bày tỏ và theo đuổi cái “chính mình”, những điều bản thân cho là đúng.
Chỉ đơn giản như việc viết và làm vlog của mình đã cần rất nhiều sự tranh đấu nội tâm.
Là một người có kiến thức và tìm hiểu, mình biết những gì người ta muốn nghe, thấy những gì người ta muốn đọc, nhưng lại không muốn bản thân mình làm theo, vì nó trái với mục tiêu, với những điều mình tin tưởng.

Người ta hỏi sao mình không đầu tư vào trang điểm, vì mục tiêu của mình là mong muốn mọi người tôn trọng vẻ đẹp tự nhiên, vẻ đẹp xây dựng từ bên trong, đồng thời đó cũng là con người thật sự của mình và mình không có nhu cầu thay đổi điều đó.
Người ta hỏi sao mình không làm những nội dung thú vị kia, mình trả lời đó không nằm trong những giá trị mình hướng đến, dù mình biết những thứ mình đang làm có thể vô nghĩa, không hấp dẫn và hoàn toàn không thể nào mang lại lợi nhuận cho mình, nhưng mình chấp nhận vì đó là việc mình muốn làm.
Nếu có một ngày mình đánh mất bản thân, mình sẽ viết những thứ người ta muốn đọc, làm những thứ người khác muốn xem, nhưng chính mình hoàn toàn không hiểu được, đó là một sự phản bội bản thân không thể nào tha thứ được.
Vậy làm sao để giữ được chính mình?

Muốn giữ lại bất cứ điều gì, bạn cần hình dung được đó là gì.
Bạn cần định nghĩa được thực sự mình là ai, mình có khả năng gì, mình đang đứng ở đâu và phải làm những điều gì.
Một biểu hiện của người không nhận ra được điều này là họ rất dễ dàng bị chi phối bởi tiền.
Một ngôi nhà không có nền móng vững chắc rất dễ lung lay trong thảm họa và thậm chí sụp đổ.
Niềm tin luôn là thứ cuối cùng còn lại khi tất cả mọi thứ khác mất đi, nhất là niềm tin vào chính mình.
Nên việc tìm ra chính mình là điều khả dĩ, thiết yếu và đầu tiên nhất trước khi bắt đầu bất kỳ điều gì, thậm chí là việc yêu một người.

Không biết mình là ai dễ khiến bản thân sa vào hết người này đến người khác nhưng vẫn không tìm ra những người có cùng hệ quy chiếu và cùng một hướng nhìn đối với bản thân.
Chính mình còn là điều kiện tiên quyết để tìm ra được “đúng việc”, vì khi bạn biết bạn là ai, bạn sẽ biết bạn có thể làm gì, bạn giỏi như thế nào, xã hội cần bạn như thế nào và trả tiền để bạn làm việc đó ra sao, khái niệm này trong tiếng Nhật gọi là “Ikigai”.
Nếu đã tìm được chính mình, bạn cần có can đảm và cần có góc nhìn rộng mở.
Can đảm để theo đuổi điều mình tin tưởng và góc nhìn để nhận định đúng sai.

Khi bạn biết từ bỏ một thứ bạn làm vì tiền và làm một thứ khiến bạn vui vẻ, bạn sẽ thấy được là chính mình hạnh phúc như thế nào.
Như Mahatma Gandhi từng nói: “Hạnh phúc, là khi những gì bạn nghĩ, bạn nói và bạn làm nhất quán và hòa quyện với nhau.”
Hay từ góc nhìn của Giản Tư Trung: “Hạnh phúc đích thực là khi con người mà ta muốn thể hiện ra bên ngoài cho mọi người thấy cũng chính là con người thực của mình. Khi đó, ta chỉ cần “sống với chính mình, “sống đúng với con người của mình” là đủ.”
Chúc bạn hạnh phúc, với chính bản thân mình.