Đảo địa ngục, một bộ phim của Hàn Quốc kể về hành trình chạy trốn khỏi một hòn đảo của một nhóm người Triều Tiên (phụ đề Tiếng Anh chỉ để là Korea), bị lừa đến để khai thác than cho Chính phủ Nhật Bản thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Bộ phim mang đến nhiều tình tiết tái hiện lịch sử, chân thực về những gì mà những người dân vô tội Triều Tiên, gồm cả phụ nữ và trẻ em, phải trải qua trên đảo, khung cảnh không khá hơn tất cả các bộ phim về đề tài chiến tranh lịch sử từ xưa đến nay, nhưng chủ yếu vẫn là những vấn đề xưa cũ chúng ta cần nhìn nhận lại từ thông điệp của nhà làm phim: Chiến tranh chưa bao giờ có kẻ thắng.
Đánh vì ai?
Gần cuối phim, khi những người lính Nhật đụng độ với đoàn người đào tẩu, có một góc ảnh trên cao nhìn xuống, đen tối, không phân biệt đâu là người Nhật, đâu là người Triều Tiên, câu hỏi đặt ra là, họ đánh nhau để làm gì?
Hai người ở hai phe đối địch nhau, rõ ràng, có thể chưa từng gặp nhau, nếu hai người cùng tồn tại, thì không ảnh hưởng đến sự tồn tại của đôi bên, kể cả gia đình họ. Vậy tại sao họ lại phải đang giết lẫn nhau?
Hồi nhỏ, xem phim đánh nhau, thấy phe chính nghĩa đánh phe tà ác thì lấy làm hả hê lắm, nhưng lớn lên rồi lại tự hỏi, vậy những người phe tà ác bị giết thì sao, họ có đáng hay không?
Đoạn cuối phim khi cả đoàn người đã ra đến biển, trước mặt là khung cảnh Nagasaki bùng cháy trong làn khói bom nguyên tử, một nhân vật xót xa:
Vẫn còn người Triều Tiên sinh sống trên ấy…
Vậy câu hỏi là, người dân Nhật thì sao?
Chính phủ Nhật Bản phát xít thì người dân họ không có quyền được sống, hay sao?
Quốc gia, dân tộc chỉ là cái hình thành sau bao nhiêu biến đổi về lịch sử và văn hóa, từ một nguồn cội duy nhất là Homo (chi người), thậm chí loài người hiện nay (Homo sapiens) cũng chỉ là một trong số những loài còn sót lại, có nghĩa chúng ta đã từng có rất nhiều “anh chị em” mà vì vài nguyên do nào đó đã diệt vong, chúng ta rồi lại cứ lần lượt diệt vong lẫn nhau, ngoài lý do sàn lọc tự nhiên, thì còn lý do nào khác để bào chữa cho sự tranh đấu đồng loại?
Đòi hỏi một sự bình đẳng ở giữa bao nhiêu tỉ người có vẻ là quá khó khăn, nhưng ít nhất không ai trong chúng ta có quyền tước đi quyền sống của bất kỳ ai khác, vì đó là “mức trung bình” mà mỗi người, ở dưới bất kỳ chế độ nào cũng có quyền được hưởng. Vì chúng ta sinh ra hoàn toàn là vô hại, nếu không do hoàn cảnh biến đổi, từ một đứa trẻ trở thành một người gieo rắc đau thương, ngoại trừ những lý do tâm lý bẩm sinh. Đó cũng là lý do mà trẻ em luôn luôn là biểu tượng tối thượng của sự thật.
Trẻ em không lừa dối.
Đứng trước hàng trăm người Triều Tiên, một bên là một vị lãnh đạo, một bên là môt người lính, đoàn người vẫn không biết tin ai cho đến khi đứa bé gái lên tiếng về những gì cô bé đã chứng kiến.
Trẻ em không có tội. Tất cả chúng ta ai cũng từng là trẻ em. Và chúng ta đều từng không có tội.
Vậy tội lỗi do đâu mà nên?