
Cân bằng
Hôm trước mình có đọc ở đâu đó một mẩu tin tuyển dụng và ấn tượng với một dòng trong yêu cầu đối với ứng viên, đại loại là “Những ai thích sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống thì không được khuyến khích ứng tuyển.”
Câu nói này để lại ấn tượng rất sâu sắc và mình dành rất nhiều thời gian để tự hỏi bản thân nên cân bằng hay là không.
GUỒNG QUAY CỦA THỜI ĐẠI

Hiện ở độ tuổi từ 18 đến 25, giới trẻ hiện nay được khuyên là đừng lãng phí thời gian mà hãy dốc lòng đầu tư vào sự nghiệp, thậm chí đôi khi kéo dài đến năm 30 tuổi, để đảm bảo một sự vững chắc về sau.
Mỗi người có một bảng “phân phối” riêng cho bản thân mà ở đó ta điều tiết 24 giờ trong một ngày cho các hoạt động bao gồm chăm sóc bản thân, công việc, gia đình và các hoạt động khác.
Và như guồng quay của đại đa số mọi người, khi bắt đầu tốt nghiệp ra trường, mức thời gian dành cho công việc sẽ được đẩy lên cao nhất, từ 8 tiếng cho đến mười mấy tiếng một ngày.
Trong những ngành công nghiệp như truyền thông hay kỹ thuật, đôi khi thời gian ngủ còn lại chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay.

Vậy thật sự chúng ta có nên như vậy cho đến khi ta có thể đủ bình thản mà cân bằng, hoặc tập thói quen cân bằng ngay từ đầu?
Mình không có một câu trả lời chốt cho câu hỏi này.
Nhưng câu trả lời của mình cho bản thân, đến thời điểm hiện tại, chính là luyện tập sự cân bằng, từng ngày, từng giờ.
24 GIỜ CỦA MÌNH
Để mình kể cho các bạn về một ngày của mình.
Buổi sáng mình thường thức dậy lúc 7 giờ, sau đó mình sẽ pha một tách trà, ăn sáng và bàn về món ăn của ngày hôm nay với gia đình. Sau đó mình sẽ đi chợ, mua đồ ăn, quay về nấu ăn hoặc làm công việc nhà, sau đó thời gian dư đến bữa trưa mình sẽ đọc sách, và dành buổi chiều để làm việc, buổi tối sẽ là thời gian dành cho thể thao, làm vườn hoặc các hoạt động khác.

Trước đây mình nghĩ cuộc sống như thế này thì nhàm chán phải biết, nhưng càng về lâu dài mình lại càng cảm thấy thoải mái và thư giãn.
Việc dành toàn bộ thời gian ở nhà còn làm giảm đáng kể tất cả các chi phí, thời gian di chuyển và rác thải mà mình thải ra mỗi ngày, khiến mình gần hơn với lối sống sạch và lành mạnh mà mình theo đuổi.
Và kết quả là đầu óc luôn thư thái hơn, mình thậm chí ngày càng yêu thích việc làm việc nhà hay cải thiện các câu chuyện quanh mâm cơm mà trước đây mình chưa hề biết trân quý.

Vậy nên nếu ai đó hỏi mình muốn cân bằng hay là không, câu trả lời của mình chắc chắn là có.
HẠNH PHÚC ĐANG Ở ĐÂU?
Gần đây các bài báo về các hiện tượng như stress, áp lực công việc, bài vở ngày càng xuất hiện càng nhiều, không chỉ là do cánh truyền thông mà tự mình cảm thấy những người xung quanh cũng đang gặp phải rất nhiều vấn đề, mà nguyên nhân thường xuất phát từ những lý do vô cùng đơn giản như chế độ làm việc hoặc ăn uống.

Họ có thể kể cho mình nghe rất nhiều câu chuyện xung quanh công việc, nhưng nguồn năng lượng họ toát ra thì không tích cực nhiều, thậm chí khi được hỏi “Làm việc như vậy thì có hạnh phúc không?” thì đa phần mình chỉ nhận được sự im lặng.
Làm việc là một điều tích cực, mình quan niệm luôn làm việc để tiêu hóa năng lượng và sản sinh thành quả.
Nhưng mình cũng thiết lập các giới hạn của bản thân để giữ lại những khoảng thời gian cần thiết cho bản thân, gia đình, và bạn bè vì 3 điều này mới chính là những thứ rốt cuộc mang lại hạnh phúc.

“Rất nhiều người đã đi tìm hạnh phúc từ bên ngoài, nhưng hạnh phúc thật sự chỉ có thể có được tự bên trong. Theo lối sống bây giờ, người ta cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền bạc, nhiều quyền lực và có địa vị cao sang trong xã hội. Nhưng nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy có rất nhiều người giàu sang hay nổi tiếng mà vẫn đau khổ, và vẫn tự tử.” – Thích Nhất Hạnh.
CÂN BẰNG – ĐƯỢC GÌ VÀ MẤT GÌ?
Sống một lối sống cân bằng, mình được rất nhiều nhưng cũng mất không ít, vì điều gì cũng có cái giá của nó.
Mình mất đi các cơ hội việc làm hấp dẫn nhưng yêu cầu của mình nhiều thời gian hơn cho công việc.
Mình mất đi các mối quan hệ xã hội vì bỏ qua những cuộc gặp ở môi trường làm việc hay những không gian đông đúc khác.

Mình mất đi một phần nối kết với thế giới bên ngoài.
Mình mất đi sự học hỏi thực tế từ môi trưởng làm việc.
Mình mất đi sự đánh giá hoặc chỉ dẫn mà đáng lẽ mình sẽ có từ môi trường công sở.
Và mình mất đi cảm giác khi được là một phần của một tập thể.

Vậy nhưng, mình được quyền kiểm soát toàn bộ thời gian của một ngày, không phụ thuộc vào luật lệ hay khung thời gian biểu cố định.
Mình được tự do lựa chọn các công việc mình làm, những người mình gặp.
Mình có nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân.
Mình có nhiều thời gian hơn để làm những việc mình yêu thích.

Mình có thể theo đuổi lối sống lành mạnh, thân thiện với thiên nhiên mà mình theo đuổi.
Mình có thời gian để luyện tập thể thao, dù sự lười vẫn đeo bám ngày qua ngày.
Và, mình có thể có những ngày chỉ đơn thuần không làm gì cả.
Đó là những thứ mình đã suy tính rất cẩn thận và lựa chọn một cách hài lòng cho tới thời điểm hiện tại.

Chưa biết được tương lai ra sao, nhưng mình là kẻ sống cho hiện tại, nên mình cảm thấy hạnh phúc.
10 THÓI QUEN CÂN BẰNG MÀ AI CŨNG LÀM ĐƯỢC
- Ngủ đủ từ 6-8 tiếng để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi.
- Ăn thức ăn tự nấu để đảm bảo đủ các dưỡng chất mà cơ thể cần.
- Luyện tập một bộ môn thể thao hoặc vận động.
- Dành thời gian ở gần thiên nhiên để lấy lại cân bằng.
- Nghỉ ngơi, nếu được.
- Dành thời gian cho gia đình, dù chỉ là những câu chuyện nhỏ quanh mâm cơm.
- Uống nhiều nước.
- Không ngừng làm việc, nhưng làm vườn hay rửa 1 chiếc ly cũng là làm việc, đừng chỉ quan niệm kiếm tiền mới là làm việc.
- Dành thời gian để trò chuyện với những người yêu quý, thay vì nhắn tin.
- Dành thời gian nói chuyện với bản thân, làm những việc bản thân yêu thích, hoặc viết nhật ký.

Lựa chọn một cuộc sống cân bằng chưa bao giờ là một điều dễ dàng, khi mọi người xung quanh ai cũng đều đang chạy với tốc độ tối đa cho những mục đích của bản thân.
Trong hành trình chọn lối sống này, mình còn phải học cách hài lòng, chấp nhận và ngưng so sánh với người khác vì những điều mình đang làm có thể khác hoàn toàn với mọi người, hoặc với bất kỳ quy chuẩn nào của xã hội.
Nhưng một khi đã chọn lựa, để giữ mình đi đúng con đường, thì chỉ cần nhìn thẳng vào mục tiêu, đó là khiến bản thân cảm thấy thoải mái, có ý nghĩa và hạnh phúc.
You May Also Like

3 nguồn online giúp mình tìm kiếm khách hàng Social Media Manager
August 19, 2022
5 điều mình đã nhận ra sau khi đến Bali
July 22, 2018