Mình bắt đầu lên kế hoạch từ đầu năm 2018, thời điểm mình mua cuốn planner (sổ tay lên kế hoạch) đầu tiên trong đời.
Đến khi mình viết blog này đã gần một năm, và thói quen lên kế hoạch đã có những tác động đáng kể đến mình trong gần 1 năm nay.
Mình sẽ chia sẻ tất cả những gì mình đã trải nghiệm, và nếu bạn muốn bắt đầu một điều gì đó cho năm 2019, mình chắc chắn đây là thời điểm thích hợp nhất.
Kế hoạch là tất cả những gì bạn cần làm, chuẩn bị, và vẽ ra trước để tiến tới hoàn thành một mục tiêu nào đó. Đừng nghĩ về kế hoạch một cách nặng nề quá.
Kế hoạch có thể vừa là một kế hoạch dài hơi 5-10 năm, nhưng cũng có thể chỉ là kế hoạch 1 ngày, hay được biết đến với tên gọi to-do list.
Có rất nhiều quan điểm quanh việc có nên lập kế hoạch hay sử dụng to-do list hay không, nhưng cá nhân mình cảm thấy rất hiệu quả.
Ví dụ bạn muốn đi du lịch bụi Hàn Quốc, chắc chắn bạn phải có cho mình một kế hoạch, ít nhất là để xin visa.
Kế hoạch phát huy tác dụng cho hầu hết mọi lĩnh vực trong đời sống.
Mình thường sử dụng một vài loại kế hoạch căn bản: kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, chi tiêu và du lịch.
Và tất nhiên rồi, kế hoạch sẽ không bao giờ có tác dụng nếu bạn không có ý định bắt tay vào làm.
Vâng, kế hoạch có thế khiến bạn tốn vài tiếng đồng hồ để suy nghĩ, sắp xếp, nhưng có thể tiết kiệm cho bạn gấp đôi số thời gian ấy hoặc đôi khi là vài ngày, vài tháng.
Việc viết ra trên giấy hoặc cụ thể hóa các việc cần làm sẽ giảm tải nhiệm vụ của não khi cần suy nghĩ, đồng thời giúp bạn thấy rõ ràng các khía cạnh để tiến hành sắp xếp.
Việc có một kế hoạch sẽ giảm đi thời lượng mỗi buổi sáng bạn dành ra để nhớ lại những việc cần làm trong ngày, hoặc lúng túng khi có quá nhiều công việc mà bạn không thể chọn ra cái nào nên làm trước.
Lập kế hoạch đồng thời rất hiệu quả để giúp bạn cân bằng và kết hợp các loại công việc cần làm.
Đơn cử như một đứa ở xa trung tâm như mình, nếu không có kế hoạch cụ thể thì cứ mỗi khi cần chạy về nhà để làm gì đó sẽ tốn của mình 2 tiếng đồng hồ di chuyển đi và trở ngược lại trung tâm mà chẳng sản sinh ra lợi ích gì cả.
Nếu bạn là người hay đi du lịch, bạn sẽ nhận ra việc lập kế hoạch tiết kiệm cho bạn đến như thế nào.
Việc tính toán và tìm hiểu trước các điểm đến, lên kế hoạch gộp nhóm hoặc chọn lựa phương tiện nào tiết kiệm nhất chính là tác dụng rõ ràng của việc lên kế hoạch.
Ngoài ra việc lên kế hoạch chi tiêu hằng tháng sẽ giúp bạn nhìn rõ hơn tình hình tài chính của bản thân, để có thể tiết kiệm hoặc phân bổ cho một mục tiêu nào đó, như mua một chiếc điện thoại mới chẳng hạn.
Kế hoạch lúc nào cũng đi cùng với mục tiêu, vì thế mà chúng ta có mục tiêu dài hạn hoặc ngắn hạn.
Việc viết ra kế hoạch sẽ giúp bạn hình dung ra rõ hơn cách thức tối ưu nhất để đạt được mục tiêu đề ra.
Ví dụ, bạn muốn tập thể dục nhưng không có cho mình một kế hoạch cụ thể, tập ở đâu, khi nào, tập cái gì mà mọi thứ chỉ mãi dậm chân ở việc “bạn muốn” thì chắc chắn sẽ chẳng có việc gì được hoàn thành cả.
Và kế hoạch chính là thứ duy nhất sẽ nói cho bạn biết là ngay thứ 3 này, bạn sẽ phải dành ra 1 tiếng vào lúc 6h sáng để tập thể dục để hoàn thành mục tiêu, còn việc thực hiện hay không là còn tùy ở bạn.
Thật sự đây là tác dụng rõ nhất của mình khi tập thói quen lên kế hoạch.
Dù cho kế hoạch có thể bị thay đổi hoặc có biến sai số bất kỳ lúc nào, nhưng việc đã có một kế hoạch để sẵn khiến mình không phải dành nhiều thời gian suy nghĩ mãi về một vấn đề.
Đối với bản thân mình, hoặc với một vài người bạn, thì khối lượng công việc của mình cũng thuộc dạng “kha khá, và mọi người vẫn hay thắc mắc làm sao mình có thể cân bằng tất cả những việc đó cùng một lúc.
Câu trả lời chính là lên kế hoạch.
Khi bạn đã viết ra được thời gian mình có, công việc mình cần làm và khả năng của bản thân, việc cần lại chỉ còn là sắp xếp mọi thứ lại với nhau như trò chơi ghép hình vậy đó.
Bước 1: Đặt mục tiêu/Ghi chú những việc cần làm
Bước 2: Tổng hợp lại cùng 1 nơi
Bước 3: Bố trí vào lịch, ưu tiên những việc bắt buộc phải thực hiện đúng ngày/giờ hoặc có deadline
Bước 4: Chỉnh sửa
Bước 5: Kiểm tra và đối chiếu với mục tiêu đề ra
Chính vì thế quy trình hoặc những điều mình gợi ý có thể không phù hợp với bạn, hoặc ngay cả thói quen lập kế hoạch mà mình cho là hiệu quả.
Nhưng đối với những bạn vẫn chưa tìm kiếm được cách để hoàn thành mục tiêu, thì mình cho rằng đây là một trong những bước khởi đầu đơn giản nhất.
Việc viết blog của mình cũng là thành quả của một kế hoạch rất nhỏ, mà nếu bạn tinh ý, thì sẽ nhận ra mình thường viết 1 bài blog vào mỗi cuối tuần.
Kế hoạch của mình rất đơn giản và hữu hiệu chỉ vì mình thấy nó có ích và mình cảm thấy cần phải làm như vậy.
Nếu bạn có một bí quyết nào đó giúp cho mọi thứ hiệu quả hơn, thì chia sẻ cho mình với nhé!