5 quyển sách về đạo Phật cho người mới tìm hiểu

Chuyến đi Myanmar hồi đầu năm để lại cho mình nhiều ấn tượng, xen lẫn tiếc nuối.

Ấn tượng vì đến với một trong những thủ đô Phật giáo lớn nhất thế giới, tiếc nuối vì mang theo hành trang kiến thức chẳng có gì nhiều để quan sát cận cảnh những công trình tôn giáo vĩ đại của nước này.

Và vì thế, mình bắt tay vào tìm hiểu lại câu chuyện của Đức Phật.

Vốn dĩ là một người Việt Nam truyền thống chỉ theo tín ngưỡng thờ phụng ông bà, căn bản tôn giáo của mình rất ít và thậm chí có thể xem là vô thần, nhưng điều này mở ra cơ hội đọc và tìm hiểu Phật giáo với một cái nhìn khách quan và đa chiều.

5 quyển sách sau đây là những quyển mình đánh giá là khá dễ đọc và khá đồng nhất về các câu chuyện.

Tất nhiên, một người không có gốc gác tôn giáo như mình sẽ khó lòng tìm được những quyển đầy đủ, chi tiết hoặc chính thống hơn. Nhưng với mục đích tìm hiểu sơ bộ và khái quát thì mình cho rằng những quyển này đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà mình cần.


1. BÊN RẶNG TUYẾT SƠN (Spirit of Himalaya: Spirit of a truth seeker) | Swami Amar Jyoti

“Càng ngày các mối lo âu càng gia tăng, và rồi, con người lúc nào cũng sợ hãi, bất mãn, đau khổ vì các hoạt động thiện về vật chất và không bao giờ có thể thỏa mãn họ hoàn toàn. Đó chính là ý nghĩa của câu nói của đức Krishna: “Lấy dầu đổ vào lửa để dập tắt lửa còn dễ hơn là lấy sự thỏa mãn để dập tắt các dục vọng.””

Đây là câu chuyện của một chàng trai đi khắp nơi để khai mở, tìm con đường giác ngộ bản thân và cuối cùng trở thành người mở đường cho mọi người. Câu chuyện này có mô típ gần giống như câu chuyện của Đức Phật nhưng nhiều hướng hơn, có đề cập đến cả tình yêu nam nữ và những diễn giải mang tính triết lý đối với rất nhiều hiện tượng đời sống.

Ngôn ngữ gần gũi, dễ đọc và những mảng kiến thức về tâm linh, yoga hay thiền tập sẽ vừa mang đến một câu chuyện thu hút, vừa gợi mở cái nhìn gần gũi với Phật giáo để tiến về câu chuyện của Đức Phật.


2. ĐỨC PHẬT, NÀNG SAVITRI VÀ TÔI | Hồ Anh Thái

“Hãy nói ta nghe, con đã gặp tất cả những người thầy vĩ đại trên đời này chưa?

Tất nhiên là chưa, thưa Đấng Giác Ngộ.

Con có biết tất cả những bậc thầy đang sống, tất cả những người sẽ sinh ra trong tương lai hay không?

Thưa rằng không.

Vậy con chẳng có lý do gì để nói ta là người thầy vĩ đại nhất. Nếu như con thấy lời dạy của ta là đúng đắn thì tốt nhất con hãy thực hiện theo lời dạy ấy, chứ đừng tốn công ca ngợi ta.”

Có rất nhiều phiên bản câu chuyện của Đức Phật, dù là những tấm phù điêu trên những bức tường ở một ngôi chùa trên hồ Inle, hay ở trong quyển sách này. Nhưng tiến sĩ văn hóa Phương Đông Hồ Anh Thái đã tạo nên một câu chuyện với ba góc nhìn: Một góc nhìn bao quát mang tên Đức Phật, một góc nhìn từ một người chứng kiến câu chuyện của Phật từ lúc mở đầu, và của một người ở 26 thế kỷ sau quay đầu nhìn về quá khứ.

Chính sự bổ sung đầy khéo léo của ba giọng kể trong cùng một câu chuyện, cùng với cách xây dựng mạch truyện đi kèm với những xúc cảm rất con người và bài học từ trong lời dạy của Phật đã khiến quyển tiểu thuyết này trở nên cụ thể và dễ đọc đối với bất kỳ ai muốn có cái nhìn cận cảnh vào cuộc đời Đức Phật.

Từ lúc còn là một chàng hoàng tử được bảo bọc với đầy đủ vinh hoa cuộc đời, Phật rời bỏ mọi thứ để tìm ra chân lý của vũ trụ, và truyền dạy lại cho những ai cần đến Người, đó là câu chuyện mà người ta vẫn kể về Siddhattha – Người Giác Ngộ.


3. PHẬT HỌC TINH HOA | Thu Giang NGUYỄN DUY CẦN

“Kinh Phật có nói: “Cái dây xích bằng sắt hay bằng vàng vẫn là cái dây xích để mà trói buộc.” Ác nghiệp là cái dây xích bằng sắt, Thiện nghiệp là cái dây xích bằng vàng… đều không thể dùng để đi đến giải thoát.”

Một quyển từ điển nhỏ gọn nhưng đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu về Đạo Phật.

Có nhiều điều mình đã vỡ lẽ ra từ quyển sách này, hóa ra chân lý của Đạo Phật luôn chỉ có một, hoặc thậm chí là chẳng có gì. Những thứ ta tiếp xúc được hiện nay, chẳng qua chỉ là những bản ghi ít nhiều thiên lệch do con người truyền tay nhau từ đời này qua kiếp khác.

Con đường của Phật thực ra là Trung Đạo, là con đường giải thoát khỏi cả Thiện nghiệp và Ác nghiệp. Còn trong Luân hồi, nghĩa là còn nợ với cuộc đời, và phải trả dần từ đời này sang kiếp khác. Không phải tích đức tu nghiệp thiện là sẽ đến được Niết bàn, mà phải từ bỏ được tất cả những sợi dây xích ràng buộc mình với thế gian, đó mới là giác ngộ.

Quyển sách này còn giải thích sự ra đời của Phật học Tiểu thừa, Đại thừa, của những quyển Kinh Phật dành cho từng đối tượng hoặc mục đích khác nhau.

Nếu để cho dễ hiểu thì đây sẽ là trạm thông tin cho những ai ban đầu muốn đi sâu và tìm hiểu về Đạo Phật trong những tài liệu chuyên sâu và đặc thù hơn.


4. ĐƯỜNG XA NẮNG MỚI | Nguyễn Tường Bách

“Nếu ta nhìn được sự vật đúng như nó là, không bị quá khứ quy định, thì đó là điều đáng quí nhất trên con đường tu sửa bản thân.”

Thấu hiểu được con đường của Phật, mình vô tình tìm hiểu được góc nhìn từ Bút ký của một con người thời đại này, một lữ khách hành hương luôn muốn kiếm tìm về nguồn cội Đạo Phật và chứng nghiệm những biểu tượng thiêng liêng nhất mà thế gian còn lưu giữ.

Quyển sách này nằm trên kệ của mình đã lâu nhưng mình vẫn chưa hề mở ra và bỗng dưng lại có ý định tìm đọc trong lúc nghiên cứu về Phật giáo. Quyển bút ký này ghi lại hành trình của tác giả qua nhiều địa điểm du hành khắp nơi, nhưng nhấn mạnh vào chuyến hành trình chinh phục Ngân Sơn (Kailash) nơi được xem là trung tâm vũ trụ của thế giới.

Đây là một hành trình không hề dễ dàng và qua góc nhìn đậm chất tâm linh cùng sự hiểu biết của chính mình, tác giả đã mang đến một góc nhìn gần gũi và đầy thông điệp liên quan đến đạo Phật cũng như các sự kiện và con người có mặt trên hành trình.

Mình ấn tượng nhất về hành trình mang tên Kora, hành hương 52km xung quanh ngọt núi tuyết phủ quanh năm với cơ man là hẻm vực thách thức cả thể chất và tinh thần con người.

Nhưng những miêu tả trong quyển sách khiến bất kỳ ai cũng muốn một lần đặt chân đến những địa danh đó, thậm chí “được sinh ra lần thứ 2” ở Ngân Sơn thiêng liêng.


5. HUỆ NHÃN CỦA LẠT MA | T. Lobsang Rampa

“Theo các truyền thuyết của Tây Tạng, thì vào thuở xa xưa, đàn ông và đàn bà đếu có thể sử dụng huệ nhãn. Đó là thời kỳ mà các vị thần xuống trần gian và sống lẫn giữa con người. Con người, do nghĩ mình là những kẻ có thể kế vị các thần nên tìm cách giết hại các thần, mà không nghĩ rằng đó là những điều mà con người nhìn thấy, thì các thần có thể nhìn thấy rõ hơn. Hình phạt dành cho con người là huệ nhãn của nó bị khép lại.”

Đây là một quyển sách bí ẩn cả về câu chuyện lẫn cách ra đời của nó.

Quyển sách ghi lại câu chuyện của một vị Lạt-ma Tây Tạng, nhưng lại được đặt bút viết bởi một người Anh tên là Cyril Hoskin.

Theo một số tài liệu thì người này chưa từng đặt chân đến Tây Tạng nhưng được cho là đã được một Lạt-ma mượn tạm xác mình để khai mở những câu chuyện diễn ra trong sâu thẳm những tu viện huyền bí, với những tình tiết chi tiết và sinh động đến mức gây chấn động và khiến những quyển sách này được đề tác giả là vị Lạt-ma bí ẩn.

Và Huệ nhãn, hay còn gọi là con mắt thứ ba có thể đọc vị con người cùng với rất nhiều huyền thuật bí ẩn cũng được trích dẫn trong quyển sách.

Tuy là một tác phẩm tiểu thuyết hư cấu, nhưng những tình tiết chân thật và kỳ lạ khiến bất kỳ ai cũng có thể bị thu hút vào mạch truyện và cảm thấy muốn tìm hiểu sâu hơn vào nền Phật giáo Tây Tạng vẫn còn tồn tại rất nhiều bí ẩn cho đến tận ngày hôm nay.


Trên đây là danh sách 5 quyển sách mà cá nhân mình nghĩ những ai mới tìm hiểu về đạo Phật cũng sẽ tìm thấy ít nhiều những góc nhìn cận cảnh và thực tế hơn, qua đó tìm hiểu sâu hơn hoặc có nền tảng quan sát những điều đang diễn ra trong thực tại và có được những suy ngẫm tâm linh cho chính bản thân.

Ngoài ra, mình cũng rất trông đợi được tìm hiểu thêm nhiều đầu sách hay, bao quát hoặc chuyên sâu hơn về đạo Phật cũng như rất nhiều tôn giáo khác trên thế giới, mong nhận được sự chia sẻ, giới thiệu từ tất cả mọi người.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *