Công việc này đến với mình tự nhiên như một lẽ thường tình.
Lần cuối cùng mình nhận một công việc có yêu cầu phải có mặt ở công ty là vào tháng 9 năm ngoái, và sau đó mình quyết định chọn làm một freelancer toàn thời gian.
6 tháng là một khoảng thời gian khá ngắn để kết luận bất cứ một điều gì. Nhưng hiện tại, bản thân mình cũng đã đúc kết được một vài câu trả lời cho mình của thời điểm trước lúc bắt đầu.
Mình viết bài này để cho những người đang muốn thử sức có cái nhìn từ một người trẻ, chưa có một kinh nghiệm làm việc toàn thời gian nào nhưng đã làm việc ở một vài vị trí nhất định, sau đó quyết định trở thành một freelancer toàn thời gian.
MỘT CHÚT VỀ MÌNH
Để hiểu hơn về cách mình bắt đầu, mình sẽ để lại một tí thông tin về bản thân để mọi người tham khảo nếu cần.
Mình bắt đầu kiếm việc khi còn là sinh viên năm nhất, đến thời điểm này cũng đã gần được 4 năm. Mình dễ dàng cảm nhận được công việc của đời mình là viết, và mình cứ thế mà viết tới thời điểm này.
Mình đã từng làm việc part-time, từng làm cho những doanh nghiệp nhỏ, cũng từng cộng tác với một vài agency nước ngoài. Và tới hiện tại, mình vẫn giữ lại một vài vị trí và lĩnh vực mà mình cảm thấy yêu thích.

Công việc của mình ngoài viết thì còn bao hàm một vài mảng khác như chạy quảng cáo, gia công hoặc lên kế hoạch dự án, lên ý tưởng… nói chung xoay quanh việc sáng tạo và hỗ trợ con chữ.
Đừng hiểu lầm là mình cảm thấy không hài lòng trước những công việc trước đây, mà trái lại bất kỳ công việc nào mình từng nhận, nhìn chung đều mang lại những trải nghiệm rất tích cực, và có một số công việc mình vẫn làm cho đến hiện tại, chỉ là thay đổi cách làm trở thành một freelancer.
Lý do khiến mình quyết định trở thành freelancer thì có một vài điều căn bản:
- Mình là người theo đuổi lối sống lành mạnh, và có một vài khía cạnh nơi công sở khiến mình phải từ bỏ hoặc thay đổi thói quen này, và mình thì quyết định chọn lối sống của mình hơn.
- Mình yêu thích sự tự do, đây là thứ mình xác định từ khi còn rất nhỏ, và freelancer là một công việc hoàn toàn đáp ứng yêu cầu này.
- Một lý do ngoài lề nhưng đối với mình là lý do quan trọng nhất chính là mình không thích làm việc trong thành phố, vì những điều mà nó đang mang lại như kẹt xe, thực phẩm, công nghiệp thức ăn nhanh và trà sữa…
Và tất nhiên là còn nhiều rất nhiều các lý do lẻ tẻ khác mà mình đã cân đo đong đếm rất nhiều, nhưng tới thời điểm hiện tại mình đang cảm thấy rất vui vẻ, hài lòng với điều mình đã chọn, mặc dù cũng đối mặt với không ít khó khăn.

Và sau đây là một vài lưu ý mình ghi nhận được có thể sẽ có ích cho những ai đang cân nhắc trở thành một full-time freelancer.
1. Hãy có cho mình những mối quan hệ nhất định trước khi bắt đầu
100% công việc hiện tại của mình đều đến từ truyền miệng qua khách hàng. Đó là lý do vì sao vấn đề mối quan hệ đối với mình rất quan trọng.
Và theo mình đọc được từ sách, thì 80% công việc cũng thường đến từ các mối quan hệ.
Mình có may mắn là đã làm việc trước khi đến với con đường freelancer và cũng tích lũy được kha khá những cái tên mà sau này đã trở thành những người khách hàng của mình.

Trong thời đại này thì việc kết nối thật sự là một sức mạnh nếu bạn biết tận dụng một cách hiệu quả.
Kinh nghiệm là hãy đi làm ở một vài môi trường, tích lũy cho mình một vài cái tên hoặc với chính những nơi bạn từng làm việc, vì sau này đó có thể trở thành một trong những khách hàng tiềm năng và lâu dài nếu bạn trở thành một freelancer.
Vì đơn giản người ta không muốn phải vất vả đi tìm thêm người khác để học việc hoặc đào tạo từ đầu những thứ mà bạn đã quá thông thạo.
Khéo léo thương lượng một mức giá đôi bên cùng có lợi với công ty cũ cũng là một kỹ năng khá hữu ích.
2. Hãy trải nghiệm thật nhiều trước khi bắt đầu
Các công việc trước đây mang lại cho mình rất rất nhiều lợi ích và hỗ trợ cực kỳ tốt khi mình bắt đầu làm freelancer.

Ngoại trừ tự học thì môi trường công ty hoặc các tổ chức là nơi bạn có thể tiếp thu nhanh nhất và sâu nhất những kiến thức trong lĩnh vực mà đôi khi, nếu làm việc một mình bạn sẽ rất khó nắm bắt hoặc sẽ biết đến trễ hơn một bước so với những người đang làm trong công ty.
Mình phải thừa nhận là những gì mình đã biết là hoàn toàn chưa đủ, chưa kể trong lĩnh vực mình làm thì kiến thức thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ, nên việc tự mình chạy theo những điều mới hoàn toàn có thể trở thành một trở ngại cực kỳ lớn nếu không biết cách tìm kiếm thông tin.
3. Không phải làm freelancer thì sẽ có nhiều thời gian hơn
Làm việc tự do khiến bạn làm chủ được thời gian, tiết kiệm các khoảng không cần thiết như thời gian di chuyển, gặp khách hàng, hội họp… nhưng lại là một trở ngại cho những ai không biết quản lý thời gian của chính mình.

Làm freelancer là được ngủ nướng hơn một tí nhưng không có nghĩa là ngủ đến trưa, thậm chí bạn cũng phải có những cuộc gặp khách hàng, hoặc đối với những ai làm freelance ở những lĩnh vực như sự kiện, sản xuất… thì đôi khi còn phải dậy sớm hơn để đảm bảo lịch trình của khách hàng.
Làm freelancer bạn sẽ không biết khi nào nên làm gì nếu không có kế hoạch cụ thể, và cũng không có ai giao việc hay nhắc nhở xem hôm nay bạn cần làm những gì, và đó là lý do bạn sẽ tiêu tốn thêm một khoảng thời gian để lên kế hoạch và sắp xếp công việc mà những người làm việc văn phòng, công ty thường sẽ có người giúp đỡ hoặc hỗ trợ.
4. Kỷ luật bản thân phải được đặt lên hàng đầu
Làm freelancer rất sướng khi không có ai quản lý bạn, cái duy nhất áp lực chính là chỉ tiêu hoặc thời hạn của khách hàng, nhưng nếu bạn không có kỷ luật cá nhân thì không gì đảm bảo công việc này có thể nuôi sống bạn.

Kỷ luật cá nhân là việc bạn biết tự sắp xếp, lên kế hoạch để hoàn thành công việc đúng theo công việc của khách hàng, là biết tạo thời gian biểu làm việc cho mình theo ngày/tháng/năm và cam kết hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào bản thân đề ra.
Kỷ luật còn là cách bạn chống chọi với các ham muốn thường nhật như ngủ thêm 1 tí, xem phim 1 tí hay đi chơi 1 chốc khi mà deadlines đang dần dần ập tới. Thỉnh thoảng, kỷ luật cá nhân còn là ở việc sắp xếp công việc trong dài hạn để đảm bảo các lịch trình khác như vui chơi, giải trí sẽ không ảnh hưởng đến công việc mà bạn đã cam kết với khách hàng.
Và tin mình đi, điều này đôi lúc là điều khó khăn nhất mà nếu một người không đủ bản lĩnh và trách nhiệm với công việc mình làm thì chắc chắn sẽ “sa ngã” và khiến bản thân mất đi những cơ hội làm việc quý giá.
5. Kỹ năng thương lượng là thiết yếu
Làm việc một mình nghĩa là bạn phải tự mình giành lấy công việc, thương thảo với khách hàng và đưa ra những điều khoản đôi bên cùng có lợi để giữ lấy công việc của mình.
Một số freelancer khi bắt đầu làm sẽ cảm thấy lúng túng, đặc biệt đối với những người chỉ chuyên làm các công việc chuyên ngành như IT, chụp ảnh hay những công việc thường có các bộ phận chuyên biệt để đối thoại với khách hàng.

Hãy ghi nhớ freelancer là một công việc mà bạn tự làm chủ mọi thứ, nên việc tìm kiếm và mang lại một công việc cũng là vấn đề của riêng bạn, nên nếu không tự học hỏi thêm về kỹ năng này thì e rằng cơ hội sẽ sớm bỏ bạn mà đi thôi.
6. Làm quen với sự không ổn định
Một rào cản ngăn một số người đến với quyết định trở thành một freelancer toàn thời gian chính là sự không ổn định rất đặc trưng của ngành nghề này.
Sẽ không là vấn đề lớn nếu bạn nhận những hợp đồng dài hạn như 6 tháng, 1 năm hoặc nhiều hơn, nhưng đa phần công việc freelance là những công việc thời vụ, ngắn hạn và không đảm bảo tính duy trì.

Có thể có thời điểm rất nhiều khách hàng tìm đến bạn vì đó là mùa cao điểm mà công ty thiếu người, nhưng cũng có những “mùa” mà mọi thứ đều trì trệ và bạn cũng không còn nhận được những cuộc gọi của khách hàng.
Bạn sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với tình hình không có gì làm hoặc quá tải bất cứ lúc nào, bên cạnh đó việc cân đối tài chính cũng là một bài toán nan giải khác khi không có gì đảm bảo bạn sẽ nhận được đúng mức lương cố định cho mỗi tháng.
7. Tự chủ về tài chính
Freelancer đòi hỏi của bạn rất nhiều rồi đúng không nhưng tin không vui là thứ khó khăn nhất thì mình còn chưa kịp kể.
Với mức thu nhập lên xuống thất thường thì nếu bạn không có một tinh thần vững chãi, kèm theo một kế hoạch dự trù tài chính rõ ràng thì khả năng quay trở lại với việc làm công ty là cực cao.
Đây cũng là kinh nghiệm cực kỳ xương máu cho chính bản thân mình, vì có những lúc tình hình tài chính rất khả quan khiến mình bỏ qua vấn đề tiết kiệm và dự phòng, cho đến khi gặp phải các vấn đề thì mình sẽ không thể xoay sở nếu thiếu nguồn dự trữ trong tay.

Tin mình đi, kỹ năng quản lý tài chính là một trong những quy tắc sống còn nếu bạn muốn xoay sở lâu dài với công việc freelancer mà không gặp phải vấn đề áp lực về ngân khố.
8. Tìm hiểu về pháp lý
Nếu bạn làm việc với các công ty lớn, và với các dự án có giá trị cao, thì bạn phải biết được thông tin pháp lý cũng như các giấy tờ thủ tục có liên quan, để tránh vấp phải các tình huống bất lợi cũng như có cho mình những quyền lợi nhất định trong quá trình hợp tác.

Freelancer là một công việc đòi hỏi trách nhiệm rất cao với bản thân, và nếu bạn còn muốn phát triển bản thân lâu dài, hợp tác với các đối tác lớn hơn, thi tất yếu không bao giờ nên bỏ qua vấn đề pháp lý.
9. Học liên tục, đổi mới từng ngày
Giá trị của freelancer nằm ở chỗ những góc nhìn, ý tưởng hoặc những điều mới mẻ hoặc những thao tác nhanh chóng mà công ty không thể tự tìm kiếm trong nội bộ, và đặc trưng của freelancer chính là sự đổi mới nhanh chóng, đào sâu và thích nghi cực cao với những gì xảy ra trong lĩnh vực công tác của mình.

Chính vì thế sự trì trệ trong tìm hiểu và phát huy bản thân sẽ khiến giá trị của bạn sụt giảm trong mắt đối tác và tụt lại trên đường đua so với những người làm việc tự do khác vẫn luôn kiên trì học hỏi từng ngày.
Đừng bao giờ lầm tưởng làm freelance sẽ thoải mái và dễ dàng hơn, vì bạn phải tự học hỏi gấp nhiều lần người khác để có thể bảo toàn và duy trì sự tự do của chính bản thân mình.
10. Cô đơn là điều khó tránh khỏi
Nếu bạn đã quen với không khí sinh hoạt đông người, hoặc đơn giản chỉ là một người hướng ngoại như mình, thì việc thiếu các nền tảng giao tiếp mỗi ngày vừa trở thành một rào cản vừa là một điều có thể kéo bản thân bạn chùng lại bất kỳ lúc nào.

Bạn có thể tìm kiếm cho mình những cộng đồng freelancer hoặc đơn giản chỉ là một nhóm người nào đó để có thể trao đổi thông tin hay chỉ đơn giản là chia sẻ về công việc để tạo thêm nguồn cảm hứng, tìm được cho mình một người hướng dẫn cũng là một điểm cộng để tránh tình trạng tách biệt với thế giới và có cho mình các góc nhìn khách quan hơn về mọi việc.
11. Luôn tìm kiếm nguồn cảm hứng
Xoay sở một mình dễ khiến bản thân buồn chán hoặc đôi lúc bạn sẽ thấy mình xài gần hết những gì đã có và cần nạp thêm năng lượng cho một bước tiến khác nhưng bản thân lại chỉ có một mình.

Hãy tìm những thứ giữ cho tinh thần luôn sảng khoái, thư giãn và sáng tạo vì không ai có thể giúp bạn làm điều đó, và bạn cũng không có một môi trường đủ để cung cấp cho bạn nguồn năng lượng đó. Hãy tự tìm mọi cách để khiến bản thân luôn tràn đầy năng lượng.
12. Hướng tới các mục tiêu xa hơn
Công việc freelancer đến một lúc nào đó cũng sẽ đòi hỏi ở bạn hơn và hơn thế nữa, nên đừng quên đặt cho mình một tầm nhìn dài hạn, hoặc thậm chí là một ý tưởng kinh doanh.
Khi bạn làm việc lâu dài cho một lĩnh vực và tới một mức độ sẽ không còn ai có khả năng thuê bạn, và đó là lúc bạn nên tạo ra một đế chế cho riêng mình. Với tất cả những gì đã tích lũy, cộng thêm một vài kiến thức mà bạn có thể học thêm từ bất kỳ đâu, thì không gì là không thể.
Mình đầu tư vào bài viết này với mong muốn giúp đỡ những ai đang không tìm thấy niềm vui với môi trường hoặc vì một lý do nào đó muốn chuyển sang trở thành một người tự do toàn thời gian. Nhưng trên hết, lời khuyên của mình là hãy suy nghĩ thật kỹ càng tất cả các yếu tố, vì không một ngành nghề hay vị trí nào là hoàn hảo, có những thứ bạn phải chấp nhận hoặc có sự chuẩn bị sẵn sàng khi quyết định đưa ra một lựa chọn nào đó.
Và cho những ai đang là freelancer và cũng cảm thấy cô đơn, cần sự chia sẻ để có động lực trong công việc, thì xin hãy nhớ tới mình, vì mình cũng đang rất cần lắng nghe nhiều thật nhiều để biết là con đường này không chỉ có riêng mình.